Tìm hiểu chung
Ung thư xương là gì?
Ung thư xương là một căn bệnh bệnh hiếm gặp (khoảng 0,5% trong các bệnh ung thư) nhưng lại rất nguy hiểm. Bệnh xuất hiện khi khối u ác tính trong xương bắt đầu hình thành và thường phát triển rất nhanh. Tốc độ di căn của ung thư xương cao gấp 3 – 4 lần so với các bệnh ung thư khác.
Đa phần những trường hợp phát hiện ung thư xương đều ở giai đoạn muộn, rất khó chữa trị. Chính vì vậy, nếu có những dấu hiệu dưới đây, bạn nên đến bệnh viện kiểm tra ngay lập tức để phát hiện bệnh sớm nhất có thể.
Phân loại ung thư xương về tổ chức học:
-
Ung thư tạo xương.
-
Ung thư tạo sụn:
-
Bệnh sarcom sụn.
-
Bệnh sarcom sụn trung mô.
-
-
U tế bào khổng lồ ác tính.
-
Bệnh sarcom Ewing.
-
Ung thư mạch máu:
-
Ung thư tế bào ngoại mạch.
-
Ung thư tế bào mạc ngoại.
-
Bệnh sarcom mạch máu.
-
-
Ung thư tế bào liên kết xương:
-
Bệnh sarcom sợi.
-
Bệnh sarcom mỡ.
-
U trung mô ác tính.
-
Các loại u khác:
-
U nguyên sống.
-
U men ở các xương dài.
Trong đó, bệnh sarcom tạo xương phổ biến nhất.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư xương
Bốn giai đoạn của ung thư xương gồm:
-
Giai đoạn I: Ung thư chỉ giới hạn ở tại xương và không lan ra các vùng khác của cơ thể.
-
Giai đoạn II: Tế bào ung thư bắt đầu phát triển mạnh hơn trước, nhưng vẫn giới hạn tại xương.
-
Giai đoạn III: Ung thư xuất hiện từ hai đến ba vị trị ở cùng một xương. Khối u giai đoạn này có thể biệt hóa thấp hoặc cao.
-
Giai đoạn IV: Ung thư di căn đến nơi khác, ví dụ như xương khác hay cơ quan khác. Tế bào ung thư tăng trưởng rất mạnh và ảnh hưởng lên tế bào bình thường.
Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư xương:
-
Đau tại vị trí u, thành từng đợt xuất hiện không liên tục.
-
Da trên vùng u ấm, do tăng sinh mạch máu khối u. Sưng hoặc nổi u cục kèm theo mất khả năng vận động ở khớp gần đó.
-
Các khối u có thể chèn ép và tạo áp lực lên não, vùng chậu, trực tràng, bàng quang… Nó gây ra một số triệu chứng như não phản ứng chậm, khó khăn khi hô hấp, cảm giác khó tiểu…
-
Gãy xương là bệnh lý hiếm gặp và thường chỉ thấy ở thể tiêu xương.
-
Biểu hiện toàn thân: thể trạng suy sụp, mệt mỏi, chán ăn, gầy sút cân nhiều và nhanh, sốt kéo dài có thể thiếu máu.
Biến chứng có thể gặp khi bị ung thư xương
Cần lưu ý các biến chứng khi phát hiện muộn như xương yếu đi và gãy xương. Ngoài ra, nếu ung thư di căn đến các cơ quan khác, những biến chứng bao gồm rối loạn chức năng của cơ quan bị tổn thương, chẳng hạn như hơi thở ngắn nếu ung thư di căn đến phổi.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có biểu hiện nêu trên chẳng hạn như đau xương không cắt nghĩa được, cảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống thì nên đến thăm khám bác sĩ sớm. Bác sĩ sẽ dựa vào dấu hiệu để tư vấn và xét nghiệm cho bạn.
Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến ung thư xương
Hiện nay vẫn không rõ nguyên nhân chắc chắn gây nên hầu hết các ung thư xương nguyên phát. Nhưng nói chung, ung thư xương xuất phát từ một sai sót trên hệ thống DNA của tế bào. Lỗi sai đó khiến tế bào phát triển và phân chia một cách mất kiểm soát. Các tế bào bị đột biến dần hợp thành khối u và nó có thể xâm lấn những cấu trúc xung quanh hoặc di căn đến những vùng khác của cơ thể.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ bị ung thư xương?
Bệnh gây ảnh hưởng đến tất cả mọi độ tuổi và giới tính. Tuy nhiên theo thống kê, bệnh hay gặp ở lứa tuổi trẻ hơn, trong đó nam gặp nhiều hơn nữ và hiếm gặp ở các lứa tuổi khác. Bạn có thể làm giảm khả năng mắc bệnh bằng việc hạn chế các yếu tố nguy cơ.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:
-
Bức xạ ion hóa:Tác nhân vật lý từ môi trường bên ngoài.
-
Chấn thương do tác động va đập từ ngoài xương. Tỉ lệ ung thư xương cao hơn ở những bệnh nhân có chấn thương tại đầu dưới xương đùi, đầu trên xương chày do tai nạn.
-
Rối loạn di truyền.
-
Rối loạn gen ức chế ung thư.
-
Ung thư xương thường xuất hiện ở bệnh nhân có chồi xương sụn mọc ở chỗ nối bản sụn với đầu xương dài (do di truyền).
-
Một số bệnh lành tính của xương có thể chuyển dạng thành ung thư như bệnh Paget xương (bệnh phát sinh ung thư từ sau 40 tuổi) và bệnh loạn sản xơ của xương.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư xương
Các bác sĩ có thể chẩn đoán ung thư xương bằng cách hỏi tiền sử bệnh và tiến hành khám nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị ung thư xương.
Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh được chỉ định, chẳng hạn như chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính CT, siêu âm và chụp cộng hưởng từ hạt nhân MRI, có thể giúp bác sĩ thấy những biến đổi của xương và đánh giá tổn thương xương. Ngoài ra cũng có thể yêu cầu tiến hành xạ hình xương.
Để xác định một u có phải là ác tính hay không đòi hỏi phải lấy một mẫu mô (sinh thiết) từ u để xét nghiệm.
Phương pháp điều trị ung thư xương hiệu quả
Điều trị hóa chất:
-
Điều trị hóa chất trước mổ: Sử dụng hóa chất trước mổ trong vòng 3 tháng, bệnh có thể sẽ được mổ vào ngày thứ 8 sau khi sử dụng methotrexat đợt cuối cùng.
-
Điều trị hóa chất sau mổ: Có nhiều nhược điểm so với trước mổ, nhưng vẫn đạt được mục tiêu giảm tái phát tại chỗ nhất là trong phẫu thuật bảo tồn và hạn chế di căn xa.
Điều trị phẫu thuật:
Ngay cả với các trường hợp đáp ứng với hóa chất thì điều trị phẫu thuật vẫn rất cần thiết.
-
Phẫu thuật bảo tồn chi: Cắt bỏ khối u và ghép phục hồi đoạn xương đã mất hoặc thay xương giả.
-
Phẫu thuật cắt cụt, tháo khớp: Thực hiện ở trẻ con (do xương còn phát triển mạnh).
-
Phẫu thuật ổ di căn: Sau điều trị hóa chất, nếu vẫn còn di căn phổi khu trú hoặc tập trung ở một bên phổi, có thể phẫu thuật cắt thùy hoặc lá phổi.
Điều trị tia xạ:
Tùy theo loại mô bệnh học của ung thư và được chỉ định cho các trường hợp không phẫu thuật được.
Cắt lạnh:
Tế bào ung thư được làm đông lạnh bằng dung dịch nito và chúng sẽ chết sau một khoảng thời gian.
Tùy vào thể trạng và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư xương
Chế độ sinh hoạt:
-
Tùy theo tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, giai đoạn bệnh, mà các bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp. Bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng chỉ định đó.
-
Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo.
-
Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
-
Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.
Chế độ dinh dưỡng:
-
Về chế độ ăn uống để hỗ trợ điều trị bệnh, bệnh nhân cần lưu ý bổ sung dinh dưỡng hợp lý, chọn thực phẩm dễ tiêu, hợp khẩu vị.
-
Có chế độ hoạt động và nghỉ ngơi hợp lý.
-
Bổ sung thực phẩm giàu canxi, magie; tăng cường trái cây, rau xanh, ăn nhiều cá.
-
Không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, thực phẩm đầy hơi như đồ chiên, nướng, nước có gas, thực phẩm đóng hộp…
-
Chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để giúp cơ thể hấp thụ tốt hơn. Ăn nhiều vào buổi sáng và trưa hơn, ăn ít hơn vào buổi tối vì khó hấp thu.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
-
Duy trì lối sống khỏe mạnh: Tránh xa khói thuốc, giải tỏa căng thẳng và luyện tập thể dục thể thao khi có thời gian rảnh.
-
Hạn chế tiếp xúc với không khí ô nhiễm và tia UV trong ánh nắng mặt trời.
-
Cảnh giác với nguy cơ mắc bệnh: Nếu trong gia đình có người mắc bệnh ung thư xương thì bạn nên thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm.
-
Tránh tiếp xúc với hóa trị và xạ trị, nhất là với người trẻ.
Ung thư là căn bệnh nguy hiểm nhưng không có nghĩa là bệnh không thể điều trị. Điều quan trọng nhất trong việc chống lại ung thư chính là người bệnh cần có thái độ lạc quan và kiên trì điều trị bệnh. Thực tế cho thấy, những người có thái độ sống tích cực kết hợp với phương pháp điều trị hợp lý đã kéo dài được tuổi thọ và chống lại được căn bệnh ung thư.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.