Tìm hiểu chung

Vảy nến là gì?

Bệnh vảy nến là sự tăng sinh quá mức của tế bào sừng thượng bì kết hợp với viêm nhiễm của hai lớp trung bì và thượng bì, đặc trưng bởi các đợt cấp tái phát và thuyên giảm các mảng dày, ban đỏ và đóng vảy. Nó ảnh hưởng đến khoảng 1 đến 5% dân số trên toàn thế giới; những người da sáng có nguy cơ cao hơn, và người da đen có nguy cơ thấp hơn.

Triệu chứng thông thường là ngứa và ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể tiến triển nặng lên thành viêm khớp vảy nến. Chẩn đoán bệnh dựa trên sự xuất hiện và phân bố thương tổn.

Điều trị bao gồm điều trị tại chỗ bằng thuốc làm mềm da, dẫn chất vitamin D3, retinoid, nhựa than đá, anthralin, corticosteroid, quang trị liệu và dùng thuốc toàn thân (methotrexate, retinoid uống, cyclosporin, tác nhân điều hòa miễn dịch) khi bệnh nặng lên.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của vảy nến

Tổn thương do vảy nến gây ra đa số không có triệu chứng hoặc ngứa và thường ở trên da đầu, khuỷu tay, đầu gối, xương chậu, khe mông và bộ phận sinh dục. Đôi khi vảy nến cũng xuất hiệu ở móng tay, lông mày, nách, rốn và vùng quanh hậu môn. Bệnh có thể lan rộng, do các tổn thương nhỏ, riêng lẻ sáp nhập lại với nhau. Hình dạng các tổn thương do vảy nến khác nhau tùy thuộc vào loại.

Trong số các biến thể dưới típ bệnh Vảy nến, bệnh Vảy nến thể mảng (bệnh Vảy nến thông thường hoặc Vảy nến thể mảng mãn tính) chiếm khoảng 90%; tổn thương dạng mảng đỏ hoặc sẩn dược vảy da dày bóng, màu bạc che phủ. Các tổn thương tự xuất hiện theo từng đợt và thoái triển cùng hoặc không cùng sự xuất hiện và thoái lui của các yếu tố kích thích.

Viêm khớp phát triển từ 5 – 30% bệnh nhân và có thể tàn tật (Viêm khớp vảy nến); sự phá hủy cuối cùng cũng xảy ra.

Tác động của vảy nến đối với sức khỏe 

Bệnh Vảy nến hiếm khi nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ của bệnh nhân. Ngoài ra, thời gian cần để điều trị các tổn thương trên da hoặc da đầu thường dài, gây phiền toái và ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh vảy nến

Bệnh diễn biến lâu ngày có thể gây ra các tình trạng:

  • Chàm hóa, lichen hóa, bội nhiễm. 

  • Ung thư da hiếm gặp.

  • Đỏ da toàn thân.

  • Viêm khớp vảy nến có thể gây biến dạng khớp, cứng khớp, nhất là các khớp trên xương cột sống.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến bệnh vảy nến

Chưa xác định rõ nguyên nhân của bệnh vảy nhưng theo một số nghiên cứu, có thể liên quan đến sự kích thích đáp ứng miễn dịch của tế bào sừng ở lớp thượng bì; trong đó, dường như tế bào T đóng vai trò trung tâm. 

Bệnh có tính di truyền liên quan đến một số gen và kháng nguyên HLA (Cw6, B13, B17). Theo một số nghiên cứu, trên nhiễm sắc thể 6p21 có các locus PSORS1 đóng vai trò quan trọng nhất xác định tính nhạy cảm của bệnh nhân trong việc phát triển bệnh Vảy nến. Ngoài ra, một số tác nhân môi trường kích hoạt khởi phát bệnh có thể gây ra sự tăng sinh quá mức của tế bào sừng và phản ứng viêm.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải vảy nến?

Mọi đối tượng đều có thể bị vẩy nến, tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở nhóm người trong độ tuổi từ 16 – 22 và từ 57 – 60.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc vảy nến

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Vảy nến, bao gồm:

  • Chấn thương (hiện tượng Koebner);

  • Cháy nắng;

  • Nhiễm HIV;

  • Nhiễm trùng Streptococcus tán huyết beta;

  • Các thuốc nhóm chẹn beta, ức chế ACE, lithium, indomethacin, terbinafine, chloroquine và interferon alfa;

  • Căng thẳng;

  • Uống rượu;

  • Hút thuốc lá;

  • Béo phì.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán vảy nến

Lâm sàng

Thương tổn da: 

Điển hình là những dát màu đỏ hoặc hồng, hình tròn hoặc bầu dục, số lượng thay đổi, kích thước khác nhau, giới hạn rõ với da lành, trên dát phủ vảy da dễ bong; sờ mềm, mất màu khi ấn vào, không thâm nhiễm và không đau. Các lớp vảy trên da màu trắng đục như xà cừ, khô, gồm nhiều lớp xếp chồng lên nhau, dày mỏng không đều, dễ bong, phủ kín toàn bộ hoặc một phần dát đỏ, trừ vùng ngoại vi.

Thương tổn vảy nến xuất hiện ở vùng thường bị cọ sát hoặc tỳ đè như đầu gối, khuỷu tay, mặt duỗi các chi, bị sang chấn, vết cào gãi hay vết bỏng, sẹo, (dấu hiệu Koebner); có khuynh hướng đối xứng. 

Cạo vảy (phương pháp Brocq): 

Cạo thương tổn vảy nến bằng thìa nạo cùn cạo trên thấy vảy da bong thành các lát mỏng màu trắng đục, tiếp theo là một màng mỏng bong ra. Bề mặt da bên dưới màng bong màu đỏ, nhẵn bóng kèm những điểm nhỏ rớm máu gọi là hạt sương máu (dấu hiệu Auspitz).

Thương tổn móng: 

Khoảng 30 – 50% tổng số bệnh nhân vảy nến bị tổn thương móng, thường kèm thương tổn da đầu ngón hoặc rải rác toàn thân. Phải sinh thiết móng nếu bệnh nhân chỉ bị thương tổn ở móng. Mặt móng xuất hiện vân ngang hoặc chấm lõm (dạng cái đê khâu); móng đục với thành viền vàng đồng hoặc đốm trắng; móng bị bong tróc ở bờ tự do; lớp sừng dưới móng dày lên và mủn; toàn bộ móng có thể bị mất, chỉ để lại giường móng bong vảy sừng. Ngoài ra, các mụn mủ dưới móng hoặc xung quanh móng xuất hiện trong vảy nến dạng mủ.

Thương tổn khớp: 

Khoảng 10 – 20% tổng số bệnh nhân vảy nến bị tổn thương khớp. Triệu chứng gồm đau khớp; hạn chế vận động và viêm khớp; viêm đa khớp vảy nến, biểu hiện bên ngoài giống viêm đa khớp dạng thấp. Hiếm khi gặp viêm khớp cột sống vảy nến và rất khó phân biệt với viêm cột sống dính khớp. Chụp X-quang thấy mất vôi đầu xương, dính khớp và hủy hoại sụn xương.

Thương tổn niêm mạc: 

Trên niêm mạc xuất hiện những vết màu hồng, giới hạn rõ, không bị thâm nhiễm, ít hoặc không có vảy, tiến triển mạn tính; thường gặp ở niêm mạc quy đầu. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể bị viêm lưỡi phì đại tróc vảy hoặc viêm lưỡi hình bản đồ; viêm kết mạc, viêm giác mạc, viêm mí mắt.

Xét nghiệm

Mô bệnh học: Đặc trưng là lớp sừng dày lên và xuất hiện á sừng (tế bào sừng còn nhân không đều nhau, xếp thành lá mỏng và nằm ngang), lớp gai tăng sản, mất lớp hạt và thâm nhiễm viêm. 

Xét nghiệm sinh hóa máu: Định lượng nồng độ calci máu trong trường hợp vảy nến thể mủ. 

Xét nghiệm ASLO (Antistreptolysin O) hoặc nuôi cấy vi khuẩn (bằng dịch ngoáy họng) ở bệnh nhân mắc vảy nến thể giọt.

Chẩn đoán phân biệt vảy nến với các bệnh lý sau: 

  • Giang mai thời kỳ thứ II.
  • Lupus đỏ kinh.
  • Vảy phấn hồng Gibert.
  • Vảy phấn đỏ nang lông.

Phương pháp điều trị Vảy nến hiệu quả

Điều trị tại chỗ

Corticosteroid:

Thường sử dụng dạng tại chỗ hoặc tiêm trực tiếp vào các tổn thương nhỏ, khó trị. 

Chỉ được chỉ định corticosteroid toàn thân khi bệnh bùng phát trầm trọng hoặc Vảy nến mụn mủ. 

Tuỳ theo mức độ bệnh, lựa chọn loại corticosteroid có độ mạnh phù hợp. Bôi corticosteroid lên mảng vảy nến hai lần mỗi ngày. 

Để tăng hiệu quả điều trị, sau khi bôi corticosteroid, phủ thêm lớp polyethylene hoặc băng kín qua đêm và thay băng vào buổi sáng, đặc biệt đối với các tổn thương nhỏ, dày, khu trú hoặc tái phát. Corticosteroid mạnh được lựa chọn theo mức độ bệnh.

Corticosteroid có thể gây teo tại chỗ, rạn da, giãn mạch nên cần giảm liều và giãn cách thời gian dùng khi bệnh thuyên giảm. Nếu dùng corticosteroid tại chỗ trong thời gian dài trên diện tích lớn có thể gây ra phản ứng toàn thân (như suy giảm miễn dịch) và làm trầm trọng thêm bệnh Vảy nến. Sau khoảng 3 tuần điều trị, nên dùng chất làm mềm thay cho corticosteroid trong 1 – 2 tuần. So với các thuốc khác, sự tái phát sau điều trị bằng corticosteroid tại chỗ thường nhanh hơn.

Dẫn xuất Vitamin D3 (ví dụ: calcitriol, calcipotriol) giúp bình thường hóa ra sự tăng sinh và biệt hóa tế bào sừng. Có thể dùng thuốc đơn độc hoặc kết hợp với corticosteroid tại chỗ (với liệu trình dùng corticosteroid vào cuối tuần và calcipotriol vào các ngày trong tuần).

Chất ức chế Calcineurin (pimecrolimus, tacrolimus):

Thuốc được bào chế dạng bôi ngoài da và dung nạp tốt. Hiệu quả của nhóm thuốc này không cao bằng corticosteroid nhưng lại tránh được các biến chứng của corticosteroid trong điều trị Vảy nến vùng kẽ và trên mặt. Chưa có nghiên cứu xác định liệu thuốc có làm tăng nguy cơ mắc ung thư da và u lympho hay không.

Tazarotene:

Đây là một retinoid sử dụng tại chỗ có tác dụng hỗ trợ điều trị nhưng ít hiệu quả hơn corticosteroids khi dùng đơn độc.

Các thuốc khác:

Dưỡng ẩm (kem làm mềm, thuốc mỡ, vaseline và dầu thực vật hydro hóa). 

Dùng dưỡng ẩm hai lần một ngày ngay sau khi tắm giúp giảm vảy hiệu quả cho bệnh nhân mắc vảy nến mức độ nhẹ – vừa. Các vết thương sau khi bôi dưỡng ẩm có thể trở nên trong suốt hoặc đỏ hơn khi vảy giảm. 

Acid salicylic là một chất tiêu sừng, đặc biệt hữu ích trong điều trị vảy trên da đầu (thường khá dày). Acid salicylic làm mềm vảy để dễ dàng loại bỏ, đồng thời làm tăng hấp thu các thuốc khác. 

Nhựa than đá có tác dụng chống viêm và ức chế tế bào sừng tăng sinh (chưa rõ cơ chế). Bôi thuốc mỡ hoặc dung dịch lên vùng da bị tổn thương vào ban đêm và rửa sạch vào buổi sáng. Có thể kết hợp với corticosteroid tại chỗ hoặc chiếu ánh sáng UVB phổ rộng (280 – 320 nm) (liệu pháp Goeckerman). Đối với chế phẩm dầu gội, xoa đều lên da đầu, giữ nguyên trong 5 – 10 phút và sau đó xả sạch.

Anthralin cũng có tác dụng chống tăng sinh và kháng viêm (chưa rõ cơ chế). Bắt đầu điều trị bằng chế phẩm dạng kem 0,1% và sau đó dùng thuốc mỡ 1% khi dung nạp. Thận trọng khi bôi thuốc vào vùng kẽ vì anthralin có thể gây kích ứng và nhuộm màu. Rửa sạch thuốc trong vòng 20 – 30 phút sau khi dùng. Hiện nay, một số sản phẩm được điều chế dạng liposome để giảm các tác dụng phụ này. 

Kẽm oxit kết hợp với các thuốc tiêu sừng bong vảy mạnh để làm dịu da, giảm kích ứng.

Quang trị liệu

UVA (bước sóng 320 – 400 nm): Chiếu 3 lần/tuần hoặc 2 ngày/lần. UVB làm giảm tổng hợp DNA và gây ức chế miễn dịch nhẹ. 

Hiện nay ít sử dụng UVB (bước sóng 290 – 320 nm) mà được thay thế bằng UVB dải hẹp (UVB Narrow Band) có bước sóng 311 nm cho hiệu quả điều trị cao hơn và ít tác dụng phụ.

PUVA (Psoralen phối hợp UVA): Cho bệnh nhân uống meladinin liều 0,6 mg/kg. Sau 2 giờ, chiếu UVA liều tăng dần từ 0,5 – 1 J/cm2. PUVA giúp ngăn chặn vảy nến lây lan nhanh và bình thường hoá sự biệt hóa của tế bào sừng.

Điều trị toàn thân 

Methotrexat:

Cơ chế: Đây là một chất chống chuyển hoá, có tác dụng ức chế quá trình khử acid folic dẫn đến ức chế tổng hợp acid nucleic và acid amin ở tế bào.

Chỉ định: Điều trị đỏ da toàn thân do vảy nến, vảy nến thể mảng lan rộng, viêm khớp vảy nến và vảy nến thể mủ toàn thân không đáp ứng với liệu pháp tại chỗ hoặc quang trị liệu.

Liều lượng: Uống 2,5 mg x 3 lần cách nhau 12 giờ hoặc tiêm bắp 10 mg x 1 lần/tuần. Khi dùng thuốc kéo dài cần theo dõi chặt chẽ chức năng gan.

Độc tính của thuốc cao nên một đợt điều trị chỉ nên kéo dài vài tháng và xen kẽ với các liệu pháp khác. 

Acitretin (dẫn chất của vitamin A):

Cơ chế: Điều hòa tiến trình sừng hóa da.

Chỉ định: Điều trị bệnh vảy nến mức độ nặng. 

Liều lượng: Khởi đầu với 25 mg/ngày. Tùy theo hiệu quả và khả năng dung nạp thuốc điều chỉnh tăng hoặc giảm liều sau 1 – 2 tuần dùng thuốc.

Thuốc có thể gây quái thai, vì vậy phụ nữ dùng thuốc không nên có thai trong vòng 2 năm kể từ khi kết thúc điều trị. Dùng thuốc kéo dài có thể gây hội chứng tăng tạo xương lan tỏa nguyên phát (DISH).

Cyclosporin: 

Cơ chế: Ức chế hệ miễn dịch của cơ thể. 

Chỉ định: Điều trị bệnh vảy nến mức độ nặng. 

Liều lượng: Khởi đầu với 2,5 – 5 mg/kg/ngày chia làm 2 lần. Tăng liều sau 1 tháng nhưng không quá 5 mg/kg/ngày. Ngưng dùng thuốc nếu không đạt hiệu quả như mong muốn sau 6 tuần dùng liều cao. 

Thận trọng khi chỉ định và theo dõi nghiêm ngặt vì thuốc có thể gây quái thai, rối loạn chức năng gan, thận, giảm bạch cầu… 

Corticoid: 

Chỉ sử dụng khi thật sự cần thiết, cân nhắc kỹ giữa lợi ích và nguy cơ. Không nên dùng thuốc kéo dài vì có thể tăng nặng tình trạng bệnh và dễ gây biến chứng nguy hiểm.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của vảy nến

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ. 

  • Luôn giữ ấm cơ thể nhưng không nên tắm nước nóng.

  • Thường xuyên dùng dưỡng ẩm và các chất giúp làm mềm da.

  • Không chà xát, gãi hoặc cố làm bong vảy.

  • Ngay sau khi tắm, da còn hơi nước, thoa các loại kem làm ẩm da. Mùa lạnh khô, cần thoa kem làm ẩm da nhiều lần trong ngày.

  • Phơi nắng hằng ngày nhưng chú ý đừng để cháy nắng

  • Vệ sinh cơ thể sạch sẽ.

  • Vận động thể thao thường xuyên với cường độ phù hợp tuổi tác và các bệnh mắc kèm.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bệnh nhân Vảy nến nên điều chỉnh lượng chất béo và đường trong chế độ ăn. Ăn đủ cá và hải sản có vỏ, đậu tương, nhiều chất xơ, tránh ăn quá nhiều đường đơn thịt đỏ, và thức uống có cồn. Bổ sung các acid béo không bão hòa như EPA hoặc DHA. 

  • Bệnh nhân béo phì cần giảm cân và nên ăn theo chế độ ít calo. 

  • Nếu nồng độ vitamin D hoặc selen trong huyết thanh thấp, cân nhắc bổ sung lượng vitamin D hoặc selen phù hợp. 

Phương pháp phòng ngừa vảy nến hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Khám da liễu định kỳ và dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

  • Phơi nắng khoảng 5 – 10 phút mỗi ngày, trước 9 giờ sáng hoặc sau 4 giờ chiều.

  • Giữ gìn vệ sinh thân thể cũng như nơi ở.

  • Chăm sóc cẩn thận vùng da bị tổn thương, dùng dưỡng ẩm nếu cần thiết.

  • Tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại, hoặc mặc đồ bảo hộ nếu làm việc trong môi trường ô nhiễm.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *