Tìm hiểu chung
Viêm cầu thận cấp là gì?
Tình trạng tổn thương viêm cấp của những cầu thận với sự xuất hiện đột ngột của hồng cầu niệu, protein niệu và hiện tượng cao huyết áp, phù lên được gọi là bệnh viêm cầu thận cấp.
Những nghiên cứu khoa học hiện đại đã tìm thấy những thông tin vô cùng bổ ích rằng bệnh viêm cầu thận cấp không chỉ là một bệnh đơn thuần mà còn là một hội chứng vì những tổn thương về mô, tế bào còn dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Viêm cầu thận cấp, ác tính hay bán cấp tính đều được gọi là bệnh tiến triển nhanh vì ít người sống qua khỏi 6 tháng nếu không được điều trị.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm cầu thận cấp
Khoảng 50% số người mắc bệnh viêm cầu thận cấp không có bất kỳ dấu hiệu gì cho đến khi bệnh đã quá nặng. Còn một nửa trong số ấy có thể xuất hiện các triệu chứng sau đây:
-
Phù mặt, mí mắt hoặc chân do có sự giữ nước trong cơ thể;
-
Tiểu rất ít nước trong mỗi lần đi, nước tiểu có màu sẫm, có lẫn cả máu trong nước tiểu;
-
Cao huyết áp;
-
Buồn nôn, ói mửa, khó chịu trong người;
-
Chán ăn; xuất hiện các cơn đau bụng, đau khớp, sốt.
Phần lớn các bệnh nhân có các triệu chứng giống như mắc bệnh cúm trước khi bệnh phát triển nhanh.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến viêm cầu thận cấp
-
Nguyên nhân phổ biến nhất là do vi khuẩn liên cầu tan huyết beta nhóm A, nhóm vi khuẩn này có chủng thường gây bệnh nhất là chủng 12 và một số chủng khác như: 18, 24, 49,… Nhiễm khuẩn ở vị trí họng thường là chủng 4, 12, 24; nhiễm khuẩn ngoài da là chủng 14, 19, 50, 55, 57.
-
Một số vi khuẩn khác cũng gây bệnh viêm cầu thận cấp như: vi khuẩn tụ cầu, phế cầu, thương hàn, não mô cầu, Klebsiella Pneumoniae.
-
Một số loại siêu vi gây bệnh sởi, thủy đậu, quai bị,… cũng có thể gây bệnh viêm cầu thận cấp.
-
Do nhiễm nấm Histoplasmose.
-
Do nhiễm ký sinh trùng.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc viêm cầu thận cấp?
-
Những người có cơ địa nhạy cảm, dễ dị ứng, dễ mắc bệnh về vi khuẩn, virus.
-
Người có hệ thống miễn dịch yếu kém.
-
Vệ sinh răng miệng, da kém.
-
Người thường bị viêm họng, viêm amidan.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm cầu thận cấp, bao gồm:
-
Những người có tiền sử mắc các bệnh dịch tễ, sởi, viêm gan siêu vi B.
-
Những người mắc bệnh suy giảm miễn dịch cơ thể.
-
Người lớn tuổi, mắc nhiều bệnh khác có liên quan đến phổi, da và răng miệng.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm cầu thận cấp
Đầu tiên các bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử và khám lâm sàng, sau đó bệnh nhân sẽ được tiến hành xét nghiệm máu và nước tiểu để biết được độ suy yếu của chức năng thận, đồng thời kiểm tra xem có khuẩn gây nên bệnh hay không, nếu có thì là khuẩn nào. Nếu kết quả vẫn chưa rõ ràng, bệnh nhân tiếp tục được chụp X-quang, CT hay sinh thiết mô thận để tìm nguyên nhân gây bệnh.
Dựa trên các kết quả xét nghiệm có được, các bác sĩ đưa ra những chẩn đoán chuẩn xác nhất và giải pháp điều trị phù hợp với từng bệnh nhân.
Phương pháp điều trị viêm cầu thận cấp hiệu quả
Điều trị viêm cầu thận cấp chủ yếu là dùng thuốc để điều trị và tiến hành kèm theo điều trị các biến chứng do bệnh gây ra. Các thuốc bao gồm:
-
Thuốc điều chỉnh huyết áp: Tùy thuộc vào trường hợp bệnh nhân có thường xuyên cao huyết áp hay không.
-
Thuốc ức chế men chuyển: Đặc biệt là những bệnh nhân đang mắc bệnh đái tháo đường đồng thời bệnh viêm cầu thận cấp.
-
Thuốc chẹn thụ thể, thuốc chẹn beta giao cảm.
-
Để điều trị tình trạng phù có thể dùng thuốc lợi tiểu, nhưng thuốc này chống chỉ định cho người phụ nữ có thai, suy gan nặng và suy thận cấp do tắc nghẽn.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm cầu thận cấp
-
Uống thuốc đúng liều theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không bỏ thuốc hay tự mua thuốc uống không nằm trong chỉ định.
-
Tham khảo chế độ ăn uống dinh dưỡng lành mạnh, phù hợp tình trạng bệnh.
-
Có bất kỳ dấu hiệu bất thường xảy ra phải liên hệ ngay với các bác sĩ để có giải pháp kịp thời.
-
Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.