Tìm hiểu chung

Viêm dạ dày ruột cấp tính là bệnh gì?

Viêm dạ dày ruột cấp tính là bệnh nhiễm trùng dạ dày ruột do các tác nhân như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, chất hóa học… gây nên khi ăn hoặc uống phải thực phẩm không hợp vệ sinh. Viêm dày ruột cấp tính có thể khiến người bệnh bị nôn mửa, tiêu chảy, mất nước và chất khoáng.

Hầu hết những người mắc phải bệnh này đều có thể khỏi bệnh mà không gặp biến chứng nào. Tuy nhiên, trong một số trường hợp (đặc biệt những người có hệ miễn dịch yếu như người già, trẻ em, người bị HIV,…) nếu không điều trị kịp thời có thể sẽ bị mất nước, rối loạn điện giải nặng gây nguy hiểm đến tính mạng.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm dạ dày ruột cấp tính

Bệnh thường có những biểu hiện sau đây:

  • Bị tiêu chảy, thường là tiêu chảy không lẫn máu;

  • Đau bụng, buồn nôn, nôn mửa;

  • Có thể bị sốt nhẹ;

  • Đau đầu, đau cơ.

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà các triệu chứng có thể xuất hiện trong từ 1 – 3 ngày sau khi bị nhiễm bệnh và biến chuyển từ nhẹ đến nặng. Trong vài trường hợp các triệu chứng có thể kéo dài đến hơn 1 tuần.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm dạ dày ruột cấp tính

Bệnh viêm dạ dày đường ruột có thể đẫn đến những biến chứng sau:

  • Mất nước và các chất điện giải kéo dài không được bổ sung có thể dẫn đến tử vong.

  • Ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ ngay khi gặp các triệu chứng trên, đặc biệt là nôn mửa và tiêu chảy, tránh để tình trạng mất nước kéo dài. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm dạ dày ruột cấp tính

Do các yếu tố ngoại sinh thường gặp như là:

  • Virus, vi khuẩn và các độc tố trong cơ thể của chúng.

  • Thức ăn: Những thức ăn không tốt cho đường ruột như quá nóng, quá lạnh, cứng khó tiêu, nhai không kỹ trước khi nuốt.

  • Dùng thức uống như rượu, chè, cà phê với số lượng nhiều.

  • Dùng thuốc aspirin, natrisalicylat, quinin, sulfamid, cortancyl, phenylbutazol, reserpin, digitalin, kháng sinh,…

  • Các chất ăn mòn: muối kim loại nặng như đồng, kẽm, thuỷ ngân, kiềm, acid sulphuric, acid chlothydric Nitrat bạc.

Do các yếu tố nội sinh, thường gặp trong các bệnh sau:

  • Các bệnh nhiễm khuẩn như bệnh cúm, sởi, bạch cầu, thương hàn, viêm phổ hoặc viêm ruột thừa, tăng áp lực tĩnh mạch cửa, thoát vị hoành…

  • Ure máu cao ở những bệnh nhân viêm thận cấp và mạn tính, tăng thyroxin, tăng đường máu.

  • Bỏng, nhiễm phóng xạ (1.100r – 25.000r).

  • Căng thẳng quá độ, chấn thương sọ não, u não, sau phẫu thuật thần kinh, bệnh tim, phổi cấp, xơ gan…

  • Dị ứng: thức ăn như tôm, ốc, sò, hến…


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc bệnh viêm dạ dày ruột cấp tính?

Viêm dạ dày ruột cấp tính có thể xảy ra đối với tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là những người có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, người lớn tuổi, người nhiễm HIV hoặc người đang phải hóa, xạ trị.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh viêm dạ dày ruột cấp tính

Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh lý, thông qua các triệu chứng mà bạn gặp phải và thực hiện thêm một số xét nghiệm cần thiết để hỗ trợ chẩn đoán bệnh.

Các xét nghiệm cần thiết bao gồm:

  • Chụp X-quang dạ dày: Quan sát hình dạng và tổn thương trên bề mặt ngoài của dạ dày.

  • Sinh thiết dạ dày: Tìm kiếm nguyên nhân gây viêm dạ dày.

  • Xét nghiệm dịch vị dạ dày.

Phương pháp điều trị viêm dạ dày ruột cấp tính hiệu quả

Việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra viêm dạ dày đường ruột cấp tính:

  • Viêm dạ dày ruột cấp tính nếu gây ra bởi thức ăn, đồ uống, thuốc thì có thể thuyên giảm bằng cách ngừng sử dụng.

  • Viêm dạ dày ruột mãn tính gây ra bởi nhiễm trùng H.pylori được xử lý bằng cách tiêu diệt các vi khuẩn.

Điều trị viêm dạ dày sẽ được kết hợp với thuốc làm giảm acid dạ dày, các loại thuốc được sử dụng như là:

  • Thuốc kháng acid (Maalox, Mylanta) dạng lỏng hoặc viên.

  • Thuốc ức chế histamin H2 như cimetidine (Tagamet), ranitidine (Zantac), nizatidine (Axid) hoặc famotidine (Pepcid), giúp làm giảm lượng axit sản xuất trong dạ dày;

  • Thuốc ức chế bơm proton như omeprazole (Prilosec), lansoprazole (Prevacid), rabeprazole (Aciphex) và esomeprazole (Nexium).

Để điều trị viêm dạ dày ruột do H.pylori gây ra có thể dùng kết hợp thuốc kháng sinh và thuốc ức chế bơm proton. Trong đó, thuốc kháng sinh có thể loại bỏ được H.pylori, còn thuốc ức chế bơm proton có thể giúp người bệnh giảm triệu chứng đau, buồn nôn và làm tăng hiệu quả của thuốc kháng sinh.

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm dạ dày ruột cấp tính

  • Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Tuyệt đối không sử dụng thức ăn hoặc đồ uống gây hại cho dạ dày nếu chúng được xác định là tác nhân gây bệnh.

  • Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc thay thế những loại thuốc đang dùng nếu thuốc gây hại cho dạ dày.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

  • Nên xây dựng chế độ ăn khoa học, bao gồm việc ăn thực phẩm bổ dưỡng, ăn đúng giờ, và chia thành những bữa ăn nhỏ.

  • Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức cân đối.

  • Tập thể dục giúp làm tăng nhịp thở và nhịp tim, cũng kích thích các hoạt động của cơ đường ruột, giúp việc di chuyển chất thải qua đường ruột dễ dàng hơn.

  • Quản lý căng thẳng vì chúng có thể làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ, ảnh hưởng hệ thống miễn dịch, làm tăng sản xuất acid dạ dày và làm chậm tiêu hóa.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *