Tìm hiểu chung
Viêm dạ dày ruột do virus là bệnh gì?
Viêm dạ dày ruột do vi-rút hay còn được gọi là viêm ruột hoặc cúm dạ dày, là một bệnh nhiễm trùng dẫn đến tình trạng viêm (sưng đỏ) dạ dày và ruột do vi-rút gây ra. Đây là bệnh khá phổ biến và lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc sử dụng các thực phẩm hoặc nước uống bị nhiễm bệnh.
Đối với người khỏe mạnh có thể phục hồi mà không có biến chứng nhưng đối với những người có hệ miễn dịch yếu như trẻ sơ sinh, trẻ em, người già nếu không có phương án chữa trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm dạ dày ruột do vi-rút
Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của viêm dạ dày ruột do vi-rút là:
-
Tiêu chảy nước, thường tiêu chảy không có máu. Nếu tiêu chảy có máu thường là có nhiễm trùng khác nghiêm trọng hơn;
-
Đau quặn bụng;
-
Buồn nôn, nôn.;
-
Đau nhức cơ hoặc đau đầu;
-
Sốt nhẹ;
-
Sụt cân không rõ lý do.
Tùy thuộc vào nguyên nhân, triệu chứng viêm dạ dày ruột do vi-rút có thể xuất hiện trong vòng một đến ba ngày sau khi bị nhiễm bệnh và có phạm vi từ nhẹ đến nặng. Các triệu chứng thường chỉ kéo dài 1 – 2 ngày, nhưng đôi khi chúng tồn tại đến 10 ngày.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bệnh viêm dạ dày ruột do vi-rút nếu không chữa trị kịp thời có thể dẫn đến mất nước và chất khoáng thiết yếu, trong trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy hãy đến gặp bác sĩ ngay khi xuất hiện các triệu chứng sau đây:
-
Đi phân lỏng liên tục trong 24 giờ, phân có lẫn máu.
-
Nôn mửa kéo dài hơn 2 ngày, nôn ra máu.
-
Có các dấu hiệu bị mất nước như cảm giác khát nước liên tục, khô miệng, nước tiểu màu vàng đậm hoặc có rất ít nước tiểu.
-
Chóng mặt hoặc choáng váng.
-
Sốt trên 40 độ.
Đối với trẻ em, bạn nên đưa bé đến bác sĩ ngay nếu như có các dấu hiệu sau:
-
Sốt cao.
-
Hôn mê.
-
Tiêu chảy và phân có máu.
-
Có các dấu hiệu bị mất nước.
-
Nôn mửa kéo dài hơn vài giờ.
Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến viêm dạ dày ruột do vi-rút
Những nguyên nhân có thể dẫn đến viêm dạ dày do vi-rút là:
-
Sử dụng thức ăn, đồ uống đã nhiễm vi-rút.
-
Tiếp xúc với người đã bị nhiễm vi-rút.
-
Tình trạng vệ sinh thực phẩm kém.
Một số vi-rút có thể là nguyên nhân gây ra viêm dạ dày ruột, bao gồm:
-
Rotavirus: Rotavirus là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh tiêu chảy nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh và trẻ em trên toàn thế giới. Trẻ em thường bị nhiễm bệnh khi mút tay hoặc ngậm các đồ vật nhiễm virus trong miệng.
-
Norovirus: Có nhiều chủng khác nhau của Norovirus, tất cả đều gây ra các triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy, ói mửa, đau cơ, nhức đầu, mệt mỏi và sốt nhẹ. Norovirus dễ lây lan trong môi trường bị giới hạn và dễ tiềm ẩn vi-rút như trường học, viên dưỡng lão, bệnh viện,…
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc bệnh viêm dạ dày ruột do vi-rút?
Bệnh thường có thể xảy ra ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi.
Người già và trẻ em có khả năng mắc bệnh cao hơn do hệ miễn dịch ở trẻ chưa trưởng thành trong khi hệ miễn dịch ở người già đã bị suy yếu.
Người thường sử dụng thực phẩm bị ô nhiễm hoặc tiếp xúc với người bệnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm dạ dày ruột do vi-rút, bao gồm:
-
Tuổi tác: Trẻ em, trẻ sơ sinh và người lớn tuổi.
-
Môi trường: Nơi ở bị nhiễm khuẩn hay thường sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.
-
Hệ miễn dịch suy yếu: Người bị HIV và người đang dùng hóa, xạ trị.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh viêm dạ dày ruột do vi-rút
Bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa trên các triệu chứng mà bạn gặp phải và thực hiện thêm xét nghiệm phân để tìm kiếm vi-rút gây viêm dạ dày ruột trong phân. Xét nghiệm phân cũng giúp loại trừ nhiễm trùng do các loại vi khuẩn và ký sinh trùng khác.
Phương pháp điều trị bệnh viêm dạ dày ruột do vi-rút hiệu quả
Hiện nay vẫn chưa có phương án điều trị viêm dạ dày do vi-rút triệt để và hiệu quả. Thuốc kháng sinh không thể mang lại kết quả như ý, ngược lại còn có thể khiến vi-rút kháng thuốc. Trong hầu hết các trường hợp, người bệnh có thể tự bình phục mà không để lại biến chứng.
Trong giai đoạn nhiễm bệnh, bệnh nhân nên nghỉ ngơi và uống thật nhiều nước. Các bác sĩ khuyến cáo nên uống bù nước (OHS) để bổ sung nước và chất điện giải cho bệnh nhân bị viêm dạ dày ruột do vi-rút.
Ngoài ra, một số biện pháp sau cũng góp phần vào việc điều trị viêm dạ dày ruột do virus:
-
Uống nhiều nước. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc uống nước, hãy thử một lượng rất nhỏ nước hoặc ngậm mẩu nước đá.
-
Chia nhỏ bữa ăn. Bạn nên ăn nhạt và bắt đầu với các món ăn dễ tiêu như bánh quy giòn, bánh mì nướng, gạo, chuối, thịt gà. Nếu cảm thấy buồn nôn thì bạn hãy ngừng ăn.
-
Tránh các loại nước ép trái cây, sữa, rượu, cà phê, chất béo và nicotine.
-
Nếu bị tiêu chảy hoặc nôn mửa, hãy để dạ dày nghỉ ngơi từ 15 – 20 phút rồi sau đó cung cấp lại một lượng nhỏ chất lỏng như nước.
-
Hỏi ý kiến bác sĩ khi dùng thuốc cho trẻ em. Không bao giờ được dùng aspirin cho trẻ em hoặc thanh thiếu niên bị bệnh virus. Điều này có thể gây ra hội chứng Reye, một tình trạng đe dọa tính mạng.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh viêm dạ dày ruột do vi-rút
-
Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
-
Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
-
Nên sử dụng riêng vật dụng cá nhân và thức ăn để tránh lây bệnh cho người khác.
-
Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Bạn có thể phòng tránh được bệnh dạ dày do virus nếu áp dụng tốt các biện pháp sau đây:
-
Rửa tay thường xuyên bằng nước rửa tay chứa chất diệt khuẩn, đặc biệt là sau khi sử dụng phòng tắm và trước khi chuẩn bị chế biến thức ăn hoặc dùng bữa.
-
Nếu một người nào đó trong gia đình bị bệnh, không chia sẻ đồ dùng nhà bếp, đĩa, hoặc khăn.
-
Không ăn thức ăn sống hoặc nấu chưa chín.
-
Rửa trái cây và rau quả cẩn thận.
-
Đặc biệt cần cẩn thận với nguồn nước bạn sử dụng khi đi du lịch đến những nơi lạ.
-
Có hai loại vắc-xin cho rotavirus và thường được bắt đầu khi trẻ sơ sinh được hai tháng tuổi. Hãy hỏi bác sĩ nếu bạn muốn sử dụng cho trẻ.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.