Tìm hiểu chung
Viêm dạ dày là bệnh gì?
Viêm dạ dày xảy ra khi dạ dày bị viêm hoặc sưng, gây nên các tình trạng phổ biến như khó tiêu, ợ nóng, đầy bụng. Viêm dạ dày có thể xảy ra bất ngờ (viêm dạ dày cấp tính) hoặc kéo dài (viêm dạ dày mạn tính). Đối với hầu hết các trường hợp, viêm dạ dày không nghiêm trọng và cải thiện một cách nhanh chóng nếu điều trị đúng cách. Tuy nhiên, nếu viêm dạ dày kéo dài không được điều trị có thể dẫn đến loét dạ dày và tăng nguy cơ ung thư, đặc biệt là khi nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn Helicobacter pylori.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm dạ dày
Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm dạ dày, bao gồm:
-
Đau bụng âm ỉ;
-
Buồn nôn;
-
Ói mửa;
-
Chán ăn;
-
Ợ hơi hoặc đầy hơi;
-
Cảm giác đầy ở vùng bụng trên sau khi ăn;
-
Sụt cân không lý do.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm dạ dày
Viêm dạ dày nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm sau:
-
Xuất huyết dạ dày;
-
Viêm loét dạ dày mạn tính;
-
Thủng dạ dày;
-
Hẹp môn vị;
-
Ung thư dạ dày.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hãy đến gặp bác sĩ khi các triệu chứng của viêm dạ dày kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm sau khi bạn dùng thuốc tại nhà, chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm dạ dày
Nguyên nhân dẫn đến viêm dạ dày thường gặp là:
-
Vi khuẩn Helicobacter pylori (hay thường gọi tắt là HP): Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm dạ dày và các biến chứng loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày.
-
Dùng một số loại thuốc như aspirin hay các thuốc kháng viêm không chứa steroid khác (NSAID).
-
Ăn uống không khoa học bao gồm: ăn không đúng bữa, thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh, ăn quá nhanh, vận động mạnh ngay sau khi ăn…
-
Uống nhiều rượu bia hay đồ uống có chất kích thích dẫn đến ăn mòn dạ dày khiến dạ dày bị viêm, loét và xuất huyết.
Ngoài các nguyên nhân trên, hút thuốc lá, căng thẳng kéo dài, lạm dụng cocain, hay có vấn đề về rối loạn tự miễn cũng là nguyên nhân gây bện viêm dạ dày.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc bệnh viêm dạ dày?
Viêm dạ dày rất phổ biến, tuy nhiên bệnh thường gặp nhiều hơn ở những người hay sử dụng thuốc giảm đau, lạm dụng bia rượu, người ăn uống không khoa học.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm dạ dày có thể kể đến như là:
-
Uống thuốc giảm đau thường xuyên.
-
Lớn tuổi.
-
Căng thẳng.
-
Lạm dụng bia rượu.
-
Người có các bệnh nhiễm khuẩn khác.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh viêm dạ dày
Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh lý, thông qua các triệu chứng của bạn và thực hiện thêm một số xét nghiệm để hỗ trợ chẩn đoán. Các xét nghiệm có thể kể đến như là:
-
Xét nghiệm máu: Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để kiểm tra sự hiện diện của kháng thể H.pylori.
-
Xét nghiệm phân: Tìm kiếm H.pylori trong mẫu phân.
-
Chụp X-quang: X-quang dạ dày và ruột non kiểm tra các dấu hiệu của viêm dạ dày và các vấn đề tiêu hóa khác.
Phương pháp điều trị bệnh viêm dạ dày hiệu quả
Tùy thuộc vào nguyên nhân dẫn đến viêm dạ dày mà bác sĩ sẽ có hướng điều trị phù hợp.
-
Viêm dạ dày cấp tính gây ra bởi thuốc hoặc rượu có thể thuyên giảm bằng cách ngừng sử dụng.
-
Viêm dạ dày mãn tính gây ra bởi nhiễm trùng H.pylori được xử lý bằng cách tiêu diệt các vi khuẩn.
Các loại thuốc sau đây được sử dụng để hạn chế nồng độ axit trong dạ dày:
-
Kháng sinh histamin-2 (H2): famotidine, cimetidine, ranitidine và nizatidine.
-
Các chất ức chế bơm proton (PPI): omeprazole, esomeprazole, Iansoprazole, rabeprazole and pantoprazole.
Trong quá trình điều trị nên tránh sử dụng các loại thuốc như ibuprofen, naproxen và aspirin.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh viêm dạ dày
-
Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
-
Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
-
Nếu nguyên nhân gây bệnh do H.pylori gây ra thì bệnh có khả năng tái phát rất cao khi bạn sử dụng chung vật dụng các nhân hoặc chén đũa của người bệnh. Vì vậy, bạn nên điều trị đồng loạt cho cả những người sống chung để phòng H.pylori gây bệnh cho mọi người.
-
Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Để phòng tránh bệnh viêm dạ dày bạn nên:
-
Hạn chế sử dụng rượu bia và các chất kích thích.
-
Sử dụng thuốc aspirin phải có sự hướng dẫn của bác sĩ.
-
Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để đảm bảo vệ sinh sạch sẽ.
-
Không hút thuốc.
-
Thả lỏng tinh thần, tránh bị stress nặng.
-
Nên chia bữa ăn hợp lý và nên ăn chín, uống sôi.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.