Tìm hiểu chung

Viêm đại tràng co thắt là bệnh gì?

Đại tràng hay thường gọi là ruột già, là đoạn cuối của đường ống tiêu hóa trong cơ thể. Khi thức ăn được hấp thụ dinh dưỡng ở ruột non thì sẽ chuyển xuống đại tràng. Tại đây, đại tràng hấp thụ lại một phần nước và muối trong thức ăn. Nhờ sự hỗ trợ của các vi khuẩn sẽ phân hủy thức ăn thành dạng phân và co bóp nhu động để chuyển phân xuống trực tràng và thải ra ngoài.

Viêm đại tràng co thắt hay còn gọi là hội chứng ruột kích thích gây rối loạn chức năng đại tràng, dù không tìm thấy các tổn thương thực thể khi nội soi đại tràng. Đây là bệnh rất phổ biến và dù không quá nguy hiểm nhưng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như chất lượng sống của người bệnh. Việc điều trị căn bệnh này gặp khá nhiều khó khăn, phức tạp do ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân.


Triệu chứng thường gặp

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm đại tràng co thắt

Những triệu chứng thường gặp của bệnh viêm đại tràng co thắt là:

Đau bụng dưới vùng rốn, biểu hiện đau bụng cũng khá đa dạng, người bệnh có thể bị đau sau khi ăn, đau khi ăn no, đau sau khi ăn một số thức ăn lạ, chua, cay, lạnh…Khi căng thẳng, stress thì cơn đau xuất hiện nhiều hơn.Và trong hầu hết các trường hợp thì đau bụng sẽ tự hết sau khi người bệnh đi đại tiện.

Ngoài ra còn có các triệu chứng như ợ hơi, đầy bụng, chướng hơi, khó tiêu.

Những triệu chứng này thường dễ gây nhầm lẫn với bệnh đau dạ dày.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bệnh viêm đại tràng co thắt mặc dù không quá nguy hiểm nhưng để bệnh kéo dài quá lâu khiến  người bệnh thiếu chất dinh dưỡng, ăn không hấp thụ được nên thể trạng gầy yếu và có thể dẫn đến viêm đại tràng co thắt mãn tính. Vì vậy, hãy đến gặp bác sĩ ngay khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng được nhắc đến ở trên. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến viêm đại tràng co thắt

Bệnh viêm đại tràng co thắt có quan hệ nhất định đến việc vận chuyển thức ăn qua đại tràng.

Khi cơ ruột co giãn nhanh hơn mức bình thường thì đại trạng không có đủ thời gian để hấp thu nước trong thức ăn, dẫn đến lượng nước trữ trong phân quá nhiều gây tiêu chảy.

Khi cơ ruột co giãn chậm khiến đại tràng hấp thu nhiều nước, dẫn đến phân thiếu nước trở nên khô cứng và gây táo bón.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị viêm đại tràng co thắt?

Viêm đại tràng co thắt có thể xảy ra với bất kì ai. Có khoảng 40% số trường hợp bệnh nhân tiêu hóa bị viêm đại tràng co thắt. Nữ giới có thể mắc bệnh nhiều hơn nam giới theo tỉ lệ 4:1.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm đại tràng co thắt, bao gồm:

  • Ăn thực phẩm không hợp vệ sinh, chứa vi khuẩn thương hàn, vi khuẩn lỵ, hoặc lỵ amíp gây rối loạn nhu động ruột.

  • Dùng nhiều kháng sinh đường ruột gây loạn khuẩn đường ruột.

  • Thần kinh căng thẳng, stress, trầm cảm, chấn động tâm lý cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến viêm địa tràng co thắt.

  • Người có tiền sử mắc bệnh rối loạn thần kinh chức năng (hysteria).


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh viêm đại tràng co thắt

Bác sĩ sẽ hỏi tiền sử bệnh lý của bệnh nhân, các triệu chứng bệnh nhân gặp phải và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết.

Các xét nghiệm được thực hiện để kiểm tra viêm đại tràng co thắt là:

  • Soi đại tràng sigma: Có thể có xung huyết nhẹ, tăng tiết chất nhầy và tăng/giảm co bóp.

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) ổ bụng, chụp X-quang đại tràng: Phần cấu trúc của đại tràng bình thường và không có tổn thương. Chỉ thấy nhu động co bóp rối loạn.

  • Xét nghiệm khả năng dung nạp lactose.

  • Kiểm tra hơi thở.

  • Xét nghiệm máu: Không thấy thiếu máu.

  • Xét nghiệm phân: Không có vi trùng hoặc máu.

Phương pháp điều trị viêm đại tràng co thắt hiệu quả

Để điều trị viêm đại tràng co thắt hiệu quả, bạn nên áp dụng những phương pháp sau đây:

Thuốc chủ yếu được dùng để trị các triệu chứng. Nếu bạn có triệu chứng nào thì bác sĩ sẽ kê loại thuốc phù hợp.

Các thuốc thường dùng là:

  • Thuốc trị táo bón: forlax, duphalax.

  • Thuốc trị tiêu chảy: imodium, smecta.

  • Thuốc trị chướng bụng: debridat, motilium – M.

  • Thuốc trị đau bụng do đại tràng co thắt: spasmaverin, spasfon.

Bạn nên loại bỏ những thức ăn không phù hợp để giảm triệu chứng đau bụng.

  • Không nên ăn các loại thực phẩm sống chưa được chế biến như gỏi, nem chua, tiết canh,…

  • Không ăn trái cây khó tiêu như xoài, mít, cam, quýt…

  • Không dùng sữa hoặc các chế phẩm từ sữa.

  • Không ăn các loại hải sản như tôm, cua, ốc,…

  • Không dùng nước uống chứa gas, cồn, caffein như nước ngọt có ga, trà, cà phê, rượu,… và các gia vị có tính kích thích chua, cay.

  • Bổ sung chất xơ, nhưng bạn cũng không nên ăn quá nhiều.

  • Bảo đảm thức ăn phù hợp vệ sinh, không dùng đồ quá hạn sử dụng.

  • Chia nhỏ bữa ăn, đặc biệt vào buổi tối bạn không nên ăn quá nhiều.

Bạn hãy thường xuyên vận động và tập luyện thể dục để hệ tiêu hóa lưu thông ổn định. Bạn có thể massage bụng mỗi ngày 1 lần.

Quan trọng nhất, bạn hãy giữ tinh thần luôn thoải mái, không để căng thẳng quá độ ảnh hưởng tiêu hóa.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm đại tràng co thắt

  • Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

  • Thực hiện chế độ ăn uống khoa học, hợp vệ sinh.

  • Hạn chế rượu bia, thuốc lá và những chất kích thích.

  • Tập thể dục thường xuyên để giữ cho cơ thể khỏe mạnh.

  • Thả lỏng tinh thần, không nên quá stress.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *