Tìm hiểu chung
Viêm đại tràng màng giả là bệnh gì?
Viêm đại tràng màng giả có nhiều tên gọi khác nhau như viêm đại tràng giả mạc, viêm đại tràng do kháng sinh. Đây là bệnh nhiễm khuẩn ở ruột già do sự phát triển quá mức của vi khuẩn Clostridium difficile (C.difficile) gây ra. Nguyên nhân chủ yếu là loạn khuẩn đường ruột do dùng kháng sinh. Vi khuẩn này khi phát triển mạnh có thể gây viêm ruột, đặc biệt là chúng có thể tạo nên một lớp màng dính vào thành ruột được gọi là màng giả.
Viêm đại tràng gây ra nhiều đau đớn cho người bệnh, biểu hiện thường xuyên nhất là gây tiêu chảy. Nếu không điểu trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, thậm chí là đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp viêm đại tràng màng giả đều có thể chữa trị thành công.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm đại tràng màng giả
Dấu hiệu và triệu chứng của viêm đại tràng màng giả bao gồm:
-
Tiêu chảy có thể tiêu chảy nước và đôi khi có máu;
-
Đau quặn bụng;
-
Sốt;
-
Trong phân có thể chứa dịch nhầy hoặc mủ;
-
Buồn nôn;
-
Mất nước do tiêu chảy nhiều.
Các triệu chứng của viêm đại tràng màng giả có thể bắt đầu trong vòng 1 – 2 ngày sau khi dùng kháng sinh, hoặc có thể không xảy ra cho đến vài tuần sau khi ngưng kháng sinh.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm đại tràng màng giả
Không phát hiện và điều trị viêm đại tràng màng giả kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng hết sức nguy hiểm:
-
Mất nước quá nhiều gây hạ huyết áp;
-
Suy thận, do mất nước nặng do tiêu chảy;
-
Thủng ruột kết và dẫn đến nhiễm trùng ổ bụng.
-
Gây tử vong nếu không điều trị.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hãy đến gặp bác sĩ ngay khi xuất hiện các triệu chứng trên để có sự chẩn đoán chính xác. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến viêm đại tràng màng giả
Thuốc kháng sinh là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến viêm đại tràng màng giả. Thuốc kháng sinh khi đưa vào cơ thể gây xáo trộn sự cân bằng của các vi khuẩn trong hệ đường ruột; trong đó có sự phát triển vượt trội của vi khuẩn C. difficile. Vi khuẩn này tiết ra nhiều độc tố và phá hủy đại tràng.
Hầu hết loại kháng sinh nào cũng có thể gây bệnh. Thuốc kháng sinh phổ biến nhất và liên quan với viêm đại tràng màng giả bao gồm:
-
Quinolone: ciprofloxacin (Cipro), levofloxacin (Levaquin).
-
Penicillin: amoxicillin và ampicillin.
-
Clindamycin (Cleocin).
-
Cephalosporin, như cefixime (SUPRAX) và cefpodoxime (VANTIN).
Ở những người bị bệnh ung thư, hóa trị có thể phá hoại các vi khuẩn trong ruột và kích hoạt sự phát triển của viêm đại tràng màng giả.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc phải viêm đại tràng màng giả?
Viêm đại tràng màng giả có thể xảy ra đối với mọi đối tượng ở mọi độ tuổi và giới tính, đặc biệt là những người đang sử dụng thuốc kháng sinh.
Yếu tố có thể làm tăng nguy cơ viêm đại tràng màng giả bao gồm:
-
Uống thuốc kháng sinh.
-
Người lớn tuổi, đặc biệt là người từ 65 tuổi trở lên.
-
Có hệ thống miễn dịch suy yếu.
-
Mắc các bệnh liên quan đến đại tràng, như viêm ruột và ung thư đại trực tràng.
-
Trải qua phẫu thuật đường ruột.
-
Nhận hóa trị liệu điều trị ung thư.
-
Vi khuẩn C. difficile có thể được truyền từ tay nhân viên chăm sóc y tế vào cơ thể người bệnh.
Trong một số trường hợp, mặc dù không có yếu tố nguy cơ, không dùng thuốc kháng sinh nhưng vẫn bị nhiễm vi khuẩn C. difficile.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh viêm đại tràng màng giả
Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh lí và những loại thuốc bạn đã từng sử dụng trong thời gian gần, đặc biệt với những loại thuốc kháng sinh. Bạn cũng cần thực hiện một số các xét nghiệm để việc chẩn đoán được chính xác hơn.
Các xét nghiệm có thể bao gồm:
-
Xét nghiệm mẫu phân: Giúp kiểm tra vi khuẩn C. difficile xuất hiện trong ruột già.
-
Xét nghiệm máu: Tế bào máu trắng (tăng bạch cầu), có thể chỉ ra viêm đại tràng màng giả.
-
Nội soi đại tràng: Nếu có viêm đại tràng màng giả, có thể xuất hiện hình ảnh những mảng màu vàng hoặc tổn thương trong ruột già.
-
Chụp X-quang hoặc CT scan: Giúp phát hiện những biến chứng nghiêm trọng như phình đại tràng hoặc vỡ ruột.
Phương pháp điều trị viêm đại tràng màng giả hiệu quả
Điều trị viêm đại tràng màng giả thường bao gồm:
-
Ngưng sử dụng thuốc kháng sinh gây bệnh và dùng một loại kháng sinh hiệu quả đối với C. difficile. Điều này có thể giúp bệnh nhân giảm triệu chứng tiêu chảy.
-
Trong một vài trường hợp bị suy cơ quan nội trạng, phình đại tràng, vỡ ruột, viêm niêm mạc thành bụng… sẽ phải tiến hành phẫu thuật để cát bỏ bộ phận hoặc một phần của đại tràng bị ảnh hưởng.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh viêm đại tràng màng giả
Chế độ sinh hoạt:
-
Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
-
Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
-
Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
Chế độ dinh dưỡng:
-
Uống nhiều chất lỏng như nước tinh khiết bổ sung natri và kali (điện giải).
-
Không nên uống nước chứa đường, chất cồn, caffein như nước ngọt, trà, cà phê, rượu,…
-
Ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa. Bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại thực phẩm bạn có thể sử dụng.
-
Không nên ăn thực phẩm chứa nhiều chất xơ trong thời gian điều trị.
-
Nên chia nhỏ bữa ăn để ăn trong nhiều lần.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
-
Sử dụng thuốc kháng sinh phải có chỉ định của bác sĩ.
-
Tránh các loại thực phẩm gây dị ứng.
-
Chế độ ăn uống khoa học, hợp lý.
-
Uống thật nhiều nước.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.