Tìm hiểu chung

Viêm đường tiết niệu là gì? 

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs) bao gồm nhiễm trùng đường tiết niệu cao (viêm thận bể thận), và nhiễm trùng đường tiết niệu thấp, (như viêm bàng quang, viêm niệu đạo, viêm tuyến tiền liệt). Tuy nhiên, do việc phân định vị trí giải phẫu thực tế lâm sàng có thể tương đối khó khăn, đặc biệt ở trẻ em, bên cạnh đó nhiễm trùng thường lây lan từ vùng này sang vùng khác nên thường được gọi chung là viêm nhiễm đường tiết niệu.

Dù viêm niệu đạo và viêm tuyến tiền liệt là những bệnh nhiễm khuẩn liên quan đến đường tiết niệu, thuật ngữ UTI thường liên quan nhiều hơn đến viêm thận bể thận và viêm bàng quang.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm đường tiết niệu

Khi có triệu chứng, chúng có thể không tương quan với vị trí nhiễm khuẩn của đường niệu vì có sự chồng lấp các triệu chứng; tuy nhiên, có một cái nhìn tổng thể là rất hữu ích.

Trong viêm niệu đạo, các triệu chứng chính là tiểu buốt, chảy dịch niệu đạo, và thường gặp chủ yếu ở nam giới. Chất dịch tiết đó có thể là mủ, dịch trắng, hoặc dịch nhầy. Dịch tiết có đặc điểm như dịch mủ không có sự khác biệt giữa nguyên nhân gây viêm niệu đạo do lậu và không do lậu .

Viêm bàng quang khởi phát thường là đột ngột, điển hình là tiểu nhiều lần, tiểu gấp, và nóng rát hoặc đau khi đi tiểu với một lượng nước tiểu rất ít. Chứng tiểu đêm, đau trên xương mu và đau thắt lưng thường rất phổ biến. Nước tiểu thường đục, và đái máu vi thể (hiếm khi đái máu đại thể) có thể xảy ra. Sốt nhẹ có thể có. Tiểu hơi (tiểu có bọt khí trong nước tiểu) có thể xảy ra khi có nhiễm trùng do dò bàng quang-ruột hoặc dò bàng quang-âm đạo hoặc viêm bàng quang do vi khuẩn sinh hơi.

Trong viêm thận bể thận cấp, các triệu chứng có thể giống như những triệu chứng của viêm bàng quang. 1/3 số bệnh nhân có tiểu dắt và tiểu nhiều lần. Tuy nhiên, với viêm thận bể thận, các triệu chứng thường bao gồm rét run, sốt, đau vùng hông lưng, đau quặn bụng, buồn nôn, và nôn. Nếu bụng mềm hoặc thành bụng mỏng thỉnh thoảng có thể sờ thấy thận to và đau khi chạm. Vỗ hông lưng dương tính thường xuất hiện ở phía bên bị bệnh. Trong nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ em, các triệu chứng thường ít và không điển hình.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm đường tiết niệu 

Nếu không được điều trị thích hợp, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: Áp xe quanh thận, nhiễm trùng huyết, cao huyết áp, suy thận cấp, suy thận mạn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến viêm đường tiết niệu

Hầu hết viêm đường tiết niệu là do vi khuẩn gây ra. 

Các căn nguyên không do vi khuẩn gồm nấm ( thường candida) và mycobacteria, virus ký sinh trùng. 

  • Trong nguyên nhân virus thì thường gặp do adenovirus hơn (thường là căn nguyên gây viêm bàng quang chảy máu), những virus khác không có vai trò nhiều trong việc gây nhiễm trùng đường tiết niệu ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch.
  • Phần lớn ký sinh trùng gây ra viêm đường tiết niệu là do giun lươn, trùng roi, leishmania, sốt rét, và sán máng. 

Viêm niệu đạo thường gặp như là một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD). 

Thường gặp là:

  • Escherichia coli.
  • Proteus mirabilis.
  • Klebsiella.
  • Staphylococus saprophyticus.
  • Pseudomoras aeruginosa.
  • Staphylococus aereus. 
  • Chlamydia trachomatis.
  • Mycoplasma genitalium.
  • Trichomonas vaginalis.
  • Candida albicans.
  • Herpes simplex virus.
  • Streptococcus.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) viêm đường tiết niệu?

Trong số những bệnh nhân từ 20 đến 50 tuổi, viêm đường tiết niệu ở phụ nữ thường gặp hơn gấp khoảng 50 lần. Ở phụ nữ trong nhóm tuổi này, hầu hết các viêm đường tiết niệu là viêm bàng quang hoặc là viêm thận bể thận. Ở nam giới cùng độ tuổi, hầu hết viêm đường tiết niệu là viêm niệu đạo hoặc là viêm tuyến tiền liệt. Tỉ lệ viêm đường tiết niệu tăng ở bệnh nhân > 50 tuổi, nhưng tỷ lệ mắc giữa nam và nữ giảm bởi vì tần suất phì đại tuyến tiền liệt tăng lên và cần phải can thiệp đặt dụng cụ vào đường tiết niệu ở nam giới.

Bệnh nhân lớn tuổi và bệnh nhân bị bàng quang thần kinh hoặc phải đặt lưu thông tiểu có thể có các biểu hiện của nhiễm trùng huyết và mê sảng mà không có các triệu chứng của đường tiết niệu.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) viêm đường tiết niệu

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Viêm đường tiết niệu, bao gồm:

  • Phì đại lành tính hoặc u tuyến tiền liệt.
  • Sỏi, u bàng quang.
  • Những dị tật đường tiết niệu như trào ngược bàng quang niệu quản. Hẹp niệu đạo, hẹp bao qui đầu.
  • Đái tháo đường.
  • Có thai.
  • Đặt sonde dẫn lưu bàng quang hoặc can thiệp bàng quang, niệu đạo…
  • Rối loạn chức năng bàng quang do chấn thương cột sống, bàng quang thần kinh.
  • Suy giảm miễn dịch.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm đường tiết niệu

Phương pháp xét nghiệm

Que thử nước tiểu nhanh có thể là một test sàng lọc. 

Các xét nghiệm đủ để chẩn đoán là:

  • Tế bào niệu: Bạch cầu > 10 / mm3 ở trẻ nam và > 30/mm3 ở trẻ nữ (bằng phương pháp soi tươi Webb- Stansfeld) hoặc xuất hiện trên 10 bạch cầu trên một vi trường rất giá trị cho chẩn đoán NTĐT.
  • Bạch cầu niệu trên xét nghiệm que thử tổng phân tích nước tiểu có thể sử dụng để phát hiện bạch cầu niệu. Để chẩn đoán NTĐT thì sự kết hợp giữa test esterase bạch cầu và nitrite có thể cho độ nhạy tới 78,7% và độ đặc hiệu tới 98,3%. 
  • Cấy nước tiểu giữa dòng: Xuất hiện > 105 khuẩn lạc/1 ml. Ngoài ra có thể dùng phương pháp lấy nước tiểu bằng thông tiểu (> 104 khuẩn lạc/1 ml) hoặc chọc bàng quang trên xương mu (> 103 khuẩn lạc/1 ml).

Thu thập nước tiểu giữa dòng: Phương pháp này được sử dụng nhiều nhất trong thực hành lâm sàng.

Thu thập nước tiểu bằng phương pháp chọc trên xương mu: Thường được tiến hành khi không thực hiện được phương pháp cấy giữa dòng hoặc trong một số trường hợp cần xác định chẩn đoán một cách chính xác ví dụ nghiên cứu..

Các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán

Chẩn đoán hình ảnh: 

Siêu âm để phát hiện dị tật.

Chụp bàng quang ngược dòng.

Chụp xạ hình thận:

Khi có bất thường nhu mô trên siêu âm (nhu mô thận mỏng, gợi ý thận giảm sản hoặc loạn sản), luồng trào ngược bàng quang niệu quản mức độ nặng, trước chụp bàng quang ngược dòng nếu NTĐT có sốt và tuổi > 2 tuổi, NTĐT tái phát.

  • Công thức máu, CRP, procalcitonin: Xác định mức độ nhiễm trùng.
  • Động niệu học: Nếu NTĐT điều trị ổn định mà vẫn còn dấu hiệu rối loạn tiểu tiện.

Phương pháp chẩn đoán

Phân biệt giữa nhiễm trùng đường tiểu cao và nhiễm trùng đường tiểu thấp đôi khi gặp khó khăn:

  • NTĐT cao: Có biểu hiện nhiễm trùng rõ như sốt cao thậm chí rét run, đau vùng lưng HOẶC có hoặc không có rối loạn tiểu tiện và sốt cao > 38,5 độ C, CRP > 40 mg/l, BC máu > 15.000/mm3 hoặc NTĐT có thể không sốt ở trẻ nhỏ.
  • NTĐT thấp: Có biểu hiện rối loạn tiểu tiện như tiểu buốt, tiểu dắt, bí tiểu, tiểu máu…và sốt.

Một số tác giả trước đây phân biệt giữa NTĐT tiên phát và NTĐT thứ phát:

  • NTĐT tiên phát: Gồm các triệu chứng lâm sàng mô tả trên và không có dị tật đường tiết niệu.
  • NTĐT thứ phát: Gồm các triệu chứng lâm sàng mô tả trên và có dị tật đường tiết niệu. 

Phương pháp điều trị viêm đường tiết niệu hiệu quả

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp. 

Điều trị nội khoa

Nhiễm trùng đường tiểu trên (viêm thận bể thận)

Trẻ dưới 1 tuổi: Nhập viện, điều trị kháng sinh tĩnh mạch > 3 ngày, hết sốt điều trị kháng sinh đường uống 11 ngày (tổng cộng 14 ngày). Cần thiết theo dõi để chắc chắn trẻ hồi phục hoàn toàn.

  • Kháng sinh cephalosporin thế hệ 3 kết hợp aminoglycosid, ví dụ: Ceftriaxon 50 mg / kg / ngày (tĩnh mạch chậm) hoặc Cefotaxim: 100-150 mg / kg / ngày chia mỗi 8 giờ + amikacin 15 mg/kg/ngày (tiêm bắp). Tiêm cho đến khi hết sốt thì dừng kháng sinh tiêm chuyển sang kháng sinh cùng nhóm dạng uống hoặc theo kháng sinh đồ cho đủ 14 ngày. Aminoglycosid không dùng lâu do nhóm này độc với thận, thường chỉ dùng 3 ngày trong NTĐT không có dị tật thận tiết niệu.
  • NTĐT do bất thường giải phẫu hoặc có biến chứng tạo ổ mủ sâu cần phải phẫu thuật.
  • NTĐT tái diễn (trên 2 lần NTĐT trong một năm) hoặc NTĐT có dị tật thận tiết niệu có thể điều trị kéo dài đến 6 tháng đôi khi đến cả 2 năm với kháng sinh lựa chọn là trimethoprim 2 mg/kg/ngày không quá 80 mg/ngày (tối) hoặc nitrofurantoin liều 2 mg/kg/ngày không quá 50 mg/ngày (tối).

Nhiễm trùng đường tiểu dưới (viêm bàng quang)

  • Do virus: Chỉ điều trị vitamin C, kháng histamin, uống nhiều nước.
  • Do vi khuẩn: Thường chỉ dùng kháng sinh đường uống là hiệu quả. Kháng sinh uống: (amoxicilin + a.clavulinic) Augmentin 50mg/kg/ngày chia 2 lần, hoặc Cefuroxim 20 mg/kg/ngày chia 2 lần, hoặc cefixim 8 – 10 mg/kg/ngày chia làm 2 lần, thời gian 5 – 7 ngày. Theo dõi tế bào nước tiểu là biện pháp bắt buộc để đánh giá hiệu quả của điều trị.
  • Vi khuẩn đường niệu không triệu chứng: Không điều trị. 

Điều trị ngoại khoa

Khi có dị dạng

Tắc nghẽn gây ảnh hưởng chức năng thận, luồng trào ngược bàng quang niệu quản ở trẻ > 2 tuổi, khi có ổ mủ, áp xe trong thận điều trị kháng sinh không thuyên giảm cần tháo mủ.

Điều trị mới

Một số nghiên cứu chỉ ra probiotic cũng có vai trò hỗ trợ trong điều trị NTĐT. 100% trẻ bị NTĐT đều thiếu vitamin D nên vitamin D cần được gợi ý cho điều trị NTĐT…

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Viêm đường tiết niệu

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái. 

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung dinh dưỡng bằng cách thường xuyên uống vitamin C bổ sung.
  • Uống nhiều nước.

Phương pháp phòng ngừa Viêm đường tiết niệu hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Gìn giữ vệ sinh cá nhân, tránh tắm bồn, thay tã cho trẻ ngay khi đi ngoài. Thay băng vệ sinh thường xuyên trong những ngày có kinh nguyệt.
  • Nhịn tiểu sẽ khiến nước tiểu bị ngưng đọng và ứ đọng, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển nên tuyệt đối không được nhịn tiểu. 
  • Cần uống nhiều nước mỗi ngày, từ 1,5 đến khoảng 2 lít nước mỗi ngày có thể là nước lọc, nước râu ngô, bông mã đề… để giúp làm loãng nước tiểu và góp phần loại bỏ vi khuẩn. 
  • Do vitamin C tăng axit trong nước tiểu, vì thế, giúp giảm số lượng vi khuẩn có hại hiện diện trong hệ thống đường tiết niệu, hạn chế được sự bùng phát của các loại vi khuẩn nên cần bổ sung vitamin C thường xuyên.
  • Nên đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục để loại bỏ vi khuẩn có thể xâm nhập vào bên trong và thực hiện quan hệ chung thủy một vợ một chồng. Bao cao su cũng là một biện pháp phòng tránh cần thiết nhất là với các cuộc tình một đêm hay quan hệ không có chủ định trước.
  • Tránh mặc các loại quần áo, đồ lót quá chật, làm bằng chất liệu khó thoát mồ hôi. Không sử dụng thường xuyên các sản phẩm thụt rửa không phù hợp có chứa chất kiềm, có chất sát khuẩn…
  • Probiotic là các vi sinh vật sống có thể làm tăng lợi khuẩn trong đường ruột. Chúng cũng có thể giúp thúc đẩy sự phát triển của lợi khuẩn trong đường tiết niệu. Điều này có thể giúp phòng tránh viêm đường tiết niệu.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *