Tìm hiểu chung

Viêm gan C là bệnh gì?

Viêm gan C là một bệnh nhiễm trùng do virus gây tổn thương gan. Hầu hết những người nhiễm virus viêm gan C không có triệu chứng nên mọi người không biết họ có bị nhiễm viêm gan C hay không cho đến khi gan bị tổn thương.

Viêm gan C là một trong 2 loại viêm gan gây nguy hiểm, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng khó lường.

Hiện nay vẫn chưa có vắc xin tiêm phòng viêm gan C, vì vậy mỗi người phải có ý thức phòng tránh căn bệnh này cho bản thân cũng như gia đình và xã hội.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm gan C

Viêm gan C chia thành viêm gan C cấp tính và viêm gan C mãn tính. Ở mỗi thời kì, bệnh sẽ có những dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Viêm gan C thời kì cấp là bệnh thường dưới 6 tháng kể từ khi bị nhiễm virus. Trong giai đoạn này, bệnh thường không tạo ra dấu hiệu hoặc triệu chứng nào đặc biệt. Nếu có dấu hiệu để nhận biết, thì đó là việc tìm thấy kháng thể viêm gan C trong máu. Nhưng điều này chỉ khẳng định là bạn từng nhiễm virus viêm gan C, chứ không nói lên được bạn đang bị bệnh.

Trong giai đoạn cấp, nếu bạn không thể diệt hết virus viêm gan C ra khỏi cơ thể, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính, với đặc điểm đầu tiên là bệnh kéo dài trên 6 tháng và một số triệu chứng sau:

  • Mệt mỏi;

  • Sốt;

  • Buồn nôn hoặc chán ăn;

  • Cơ và đau khớp;

  • Đau ở vùng gan;

  • Có thể bị vàng da hoặc nước tiểu vàng.

Biến chứng có thể gặp khi bị viêm gan C

Viêm gan C nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nặng sau đây:

  • Xơ gan: Sau 20 – 30 năm mắc bệnh viêm gan C, xơ gan có thể xảy ra, chiếm khoảng 20% số trường hợp mắc viêm gan C. Hiện tượng xơ cứng xâm lấn dần các mô khỏe mạnh của gan và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng và hoạt động của gan. Đồng thời, xơ gan cũng gây nhiều biến chứng nghiêm trọng khác.

  • Ung thư gan: Giai đoạn từ xơ gan chuyển qua ung thư gan hầu như là điều tấy yếu nếu bạn không điều trị hoặc điều trị sai cách.

  • Suy gan: Gan bị hư hại nghiêm trọng do bệnh viêm gan C có thể sẽ không hoạt động được nữa. Lúc này, hầu hết các chức năng của gan sẽ không còn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Viêm gan C rất khó để tìm thấy những biểu hiện bên ngoài. Khi đã thấy các dấu hiệu xuất hiện thì bệnh đã tới thời kì mạn tính. Vì vậy bạn cần phải chữa trị kịp thời ngay khi phát hiện các triệu chứng nói trên. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây ra viêm gan C

Bệnh viêm gan C gây ra bởi siêu vi viêm gan C thông qua các con đường sau đây:

  • Đường máu.

  • Đường tình dục.

  • Từ mẹ sang con.

Virus viêm gan C được phân thành 6 loại theo 6 kiểu gen khác nhau. Các kiểu gen này không ảnh hưởng đến mức độ nặng nhẹ của bệnh mà bác sĩ thường dựa vào đây để chọn loại thuốc điều trị hiệu quả.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị viêm gan C?

Bệnh viêm gan C có thể xảy ra ở mọi người ở mọi lứa tuổi và giới tính. 

Những yếu tố tăng nguy cơ mắc viêm gan C, bao gồm:

  • Nhân viên chăm sóc y tế thường tiếp xúc với các bệnh truyền nhiễm như viêm gan C.

  • Sử dụng chung vật dụng cá nhân với người nhiễm bệnh như dao cạo râu, kim tiêm.

  • Dương tính với HIV.

  • Xỏ lỗ hoặc xăm mình ở những nơi kém chất lượng, hay sử dụng vật dụng xăm trổ không vệ sinh.

  • Người bệnh viêm gan C truyền máu hay cấy ghép nội tạng cho người khác.

  • Điều trị chạy thận nhân tạo cho một thời gian dài.

  • Mẹ mắc viêm gan C khả năng sinh con bị nhiễm bệnh.

  • Quan hệ tình dục không an toàn, bao gồm việc quan hệ với nhiều người và quan hệ không sử dụng bao cao su hoặc phụ nữ bị nhiễm bệnh giao hợp lúc có kinh.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm gan C

Các bác sĩ có thể chẩn đoán viêm gan C bằng cách:

Hỏi bệnh sử, tiền sử tiếp xúc của bạn để xem có điều gì là nguy cơ gây viêm gan C hay không; đồng thời thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để kiểm tra chẩn đoán được chính xác.

Các xét nghiệm thường được thực hiện là:

  • Sinh thiết gan có thể giúp xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh và quyết định hướng dẫn điều trị.

  • Đánh giá chức năng gan để xác định mức độ tổn thương gan.

  • Siêu âm gan để xem nhưng thương tổn và hình dạng của lá gan.

  • Xét nghiệm máu để kiểm tra virus viêm gan C.

  • Kiểm tra nồng độ men gan (AST và ALT) xem có tăng cao hay không.

Phương pháp điều trị viêm gan C hiệu quả

Hiện nay, điều trị viêm gan C có thể sử dụng hai loại thuốc là interferon và ribavirin.

Interferon có 2 dạng: Interferon thông thường và pegylated interferon (tức interferon được kết hợp với Poly Ethylene Glycol). Nếu bệnh nhân không đáp ứng với interferon thì được mặc định là sẽ đáp ứng với pegylated interferon.

Ribavirin: Mặc dù việc sử dụng đơn thuần interferon vẫn có khả năng diệt virus nhưng mức độ không cao, thường sẽ kết hợp với ribavirin. Đây là loại thuốc có khả năng tăng cường tác dụng của interferon và hạn chế bệnh tái phát. Tuy nhiên, nếu chỉ dùng đơn độc ribavirin thì không diệt được virus.

Tùy vào thể trạng, mức độ diễn tiến của bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra những phương pháp phù hợp. Nếu trong trường hợp người bị nhiễm viêm gan C đang có thai thì dùng interferon và ribavirin có thể sẽ gây khuyết tật cho thai nhi. Quan trọng là trong quá trình điều tỉ, bạn nên uống thuốc tránh thai trong và sau 6 tháng kể từ khi tiến hành điều trị.

Trong trường hợp gan bị hỏng nặng, bác sĩ có thể tiến hành ghép gan để phẫu thuật loại bỏ gan bị hư hỏng và thay thế nó bằng một lá gan khỏe mạnh. 


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm gan C

  • Nên tuân thủ đúng các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. Nhất là trong việc dùng thuốc, bạn nên dùng đúng liều và đúng thời gian quy định. Việc ngừng thuốc hoặc dùng sai liều có thể không diệt hết được virus trong người.

  • Thường xuyên tự theo dõi trong quá trình điều trị để nhận thấy các biến chuyển của cơ thể.

  • Tái khám theo đúng lịch hẹn. Việc này vô cùng quan trọng vì bác sĩ sẽ giúp bạn kiểm tra tình hình sức khỏe và nắm được tác dụng của thuốc đối với cơ thể bạn như thế nào. Từ đó xem xét các phương án điều trị tối ưu cho bạn trong thời gian tiếp theo.

  • Trong hoặc sau quá trình điều trị, thuốc có thể gây những tác dụng phụ lên cơ thể bạn. Bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về những ảnh hưởng của thuốc và cơ hội điều trị hết các ảnh hưởng đó để chuẩn bị tinh thần bước vào điều trị.

Ngoài ra, nếu viêm gan C trong thời kì mạn tính, điều đó có nghĩa bạn cần điều trị và theo dõi trong thời gian dài, nó có thể cũng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của bạn. Bạn có thể thực hiện nhưng giải pháp sau:

  • Chia sẻ với những người thân về căn bệnh mà bạn gặp phải và mong nhận được sự giúp đỡ khi cần thiết.

  • Tập các bài thể dục nhẹ như dưỡng sinh, yoga,… có thể giúp bạn tăng cường sức khỏe và tạo sự thoải mái cho tinh thần, giúp dễ ngủ.

  • Hằng ngày, bạn nên cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể thông qua bữa ăn. Bạn nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ để ăn nhẹ thay vì là 3 bữa ăn lớn khiến cơ thể khó hấp thu dinh dưỡng.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Bạn có thể phòng tránh được viêm gan C nếu thực hiện tốt các điều sau đây:

  • Không sử dụng chung kim tiêm.

  • Quan hệ tình dục an toàn.

  • Không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác.

  • Băng bó các vết thương hở để đề phòng tiếp xúc với máu của người bệnh.

  • Lựa chọn những cơ sở xăm mình, châm cứu, nha khoa uy tín.

  • Không tiếp xúc với máu của người khác nếu không có dụng cụ bảo vệ.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *