Tìm hiểu chung
Viêm gan mạn là bệnh gì?
Viêm gan mạn hay viêm gan mạn tính là tình trạng gan bị viêm dẫn đến việc tế bào gan bị hoại tử kéo dài trên 6 tháng. Bệnh có thể là kết quả của viêm gan cấp tính không được chữa trị kịp thời hoặc do virus viêm gan và nhiều nguyên do khác gây ra. Viêm gan mạn tính nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như xơ gan và ung thư gan.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm gan mạn tính
Viêm gan mạn thường xảy ra khi các viêm gan cấp xuất hiện nhưng không biểu hiện triệu chứng rõ ràng khiến người bệnh không tự điều trị, lâu dần chuyển thành viêm gan mạn tính. Ngoài ra, viêm gan mạn có thể do người đã điều trị viêm gan ở giai đoạn cấp nhưng virus viêm gan vẫn tồn tại trong cơ thể dẫn đến viêm gan mạn. Do diễn biến âm thầm nên triệu chứng của viêm gan mạn đoi lúc nghèo nàn cho đến khi xuất hiện xơ gan.
Những triệu chứng thông thường bao gồm:
-
Cảm thấy khó chịu, mệt mỏi;
-
Sốt nhẹ;
-
Kén ăn, sụt cân;
-
Đau ở vùng bụng trên;
-
Vàng da;
-
Nước tiểu vàng;
-
Phân có lẫn dầu mỡ, mùi hôi và có màu sáng.
Biến chứng có thể gặp khi bị viêm gan mạn
Viêm gan mạn tính là tình trạng rất khó để điều trị. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh sẽ diễn tiến thành xơ gan và ưng thư gan, có thể gây tử vong.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến viêm gan mạn tính
Các nguyên nhân dẫn đến viêm gan mạn thường gặp là:
Viêm gan mạn do virus
Các loại virus có thể gây viêm gan là virus viêm gan A, B, C, D, E. Trong đó, 2 loại viêm gan nguy hiểm có thể diễn tiến thành viêm gan mạn là virus viêm gan B (HBV), viêm gan C (HCV).
Virus viêm gan D không tự phát mà đồng thời xảy ra với virus viêm gan B.
Virus viêm gan E thường tấn công vào cơ thể và gây viêm gan mạn tính ở người có hệ miễn dịch suy yếu, người nhiễm HIV và người đang hóa, xạ trị.
Virus viêm gan A không phát triển thành mạn tính.
Viêm gan mạn tự nhiễm
Nếu viêm gan mạn không thể xác định nguyên nhân, nó có thể là do sự sai lệch trong phản ứng miễn dịch và có yếu tố di truyền, hệ miễn dịch thay vì tấn công các tác nhân gây hại xâm nhập cơ thể thì lại tấn công vào tế bào gan khỏe mạnh gây viêm gan, xơ gan và ung thư gan.
Viêm gan mạn tính do thuốc
Các loại thuốc có thể gây viêm gan mạn bao gồm:
-
Các thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm Non-Steroid: Tỉ lệ gây ra bệnh gan của những loại thuốc này nằm ở mức cao, từ 30 – 40%.
-
Thuốc kháng giáp trạng: Một số thuốc dùng để điều trị bệnh Basedow (Thiouracil) có thể gây viêm gan, tỷ lệ gây viêm gan của nó khoảng 10%.
-
Thuốc trị lao: Các thuốc điều trị lao như Isoniazid, Pyrazinamide, Rifampicin là những thuốc gây viêm gan nặng nề nhất, đặc biệt là Isoniazid. Ngay trong thời gian đầu dùng thuốc, thuốc đã làm men gan tăng cao (như viêm gan thực thụ). Mặc dù chưa gây ra vàng da ngay nhưng nó có thể hủy hoại toàn bộ gan của người bệnh.
-
Thuốc trị động kinh: Mức độ hủy hoại gan tùy thuộc vào nồng độ sử dụng và phụ thuộc vào tình trạng gan của bệnh nhân. Tỉ lệ gây ra bệnh gan do thuốc động kinh khoảng 7%.
-
Thuốc chống ung thư: Gan có thể sẽ bị viêm ngay sau ngày truyền đầu tiên và chỉ hai đến ba hôm sau là có biểu hiện rõ ràng. Điển hình là các thuốc Cyclophosphamide, Cisplatin, Doxorubicin.
Các nguyên nhân khác
Ngoài các nguyên nhân phổ biến trên, sử dụng rượu bia hoặc gan nhiễm mỡ cũng là tác nhân cao dẫn đến viêm gan.
Một số ít trường hợp, viêm gan mạn có thể là sự ảnh hưởng của bệnh loét dạ dày hoặc rối loạn tuyến giáp.
Các nguyên nhân trên có thể gây bệnh viêm gan mạn đối với người này những lại không xảy ra với khác và tùy vào mỗi người mà bệnh sẽ có thể nặng nhẹ khác nhau.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ bị viêm gan mạn?
Viêm gan mạn tính có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi.
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm gan mạn tính, cụ thể là:
Viêm gan B
-
Quan hệ tình dục không an toàn, bao gồm cả việc quan hệ với nhiều bạn tình và quan hệ với người bị nhiễm virus gây viêm gan.
-
Dùng chung kim tiêm khi tiêm tĩnh mạch hoặc sử dụng ma túy.
-
Quan hệ tình dục đồng giới.
-
Sống với người bị nhiễm viêm gan B mạn tính.
-
Người mẹ bị nhiễm bệnh lây truyền sang con khi sinh.
-
Đặc thù công việc phải phơi nhiễm với máu người, đặc biệt là người làm trong môi trường y tế.
-
Du lịch đến vùng có tỉ lệ nhiễm viêm gan B cao, chẳng hạn như châu Phi, Trung và Đông Nam Á và Đông Âu.
Viêm gan C
-
Là nhân viên chăm sóc sức khỏe đã tiếp xúc với máu bị nhiễm bệnh, có thể xảy ra khi kim tiêm có chứa máu nhiễm bệnh đâm vào da.
-
Tiêm hoặc hít ma túy.
-
Nhiễm HIV.
-
Xăm hoặc xỏ khuyên ở những cơ sở kém chất lượng hoặc bằng các thiết bị không được vệ sinh sạch sẽ.
-
Được điều trị chạy thận nhân tạo trong một thời gian dài.
-
Mẹ nhiễm viêm gan C truyền sang con khi sinh.
Đối với viêm gan tự miễn, tỉ lệ nữ giới mắc bệnh là nhiều hơn so với nam giới.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm gan mạn
Các bác sĩ có thể chẩn đoán viêm gan mạn bằng cách:
-
Hỏi bệnh sử và thực hiên một số xét nghiệm, kiểm tra cần thiết nếu nghi ngờ bạn mắc phải bệnh viêm gan mạn.
-
Xét nghiệm máu: Bao gồm xét nghiệm chức năng gan để xem các hoạt động của gan có bình thường hay không; xét nghiệm nguyên nhân gây bệnh và kiểm tra loại virus có trong gan; đo men gan; kiểm tra nồng độ bilirubin (bilirubin cao gây vàng da, một biểu hiện của viêm gan).
-
Sinh thiết gan: Xác định mức độ nghiêm trọng của viêm gan và liệu có để lại sẹo hoặc có dấu hiệu xơ gan hay không.
-
Siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT scan) : Giúp bác sĩ đánh giá kích thước và những tổn thương của gan.
Phương pháp điều trị viêm gan mạn hiệu quả
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra viêm gan mạn tính và thể trạng, tốc độ diễn tiến của bệnh mà bác sĩ sẽ quyết định phác đồ điều trị viêm gan mạn cho bạn.
Điều trị nội khoa
Viêm gan mạn do virus
Sử dụng thuốc ức chế virus. Tùy thuốc vào loại virus gây viêm gan sẽ có những thuốc đặc trị khác nhau.
-
Virus viêm gan B:
-
Entecavir hay tenofovir disoproxil fumarate (đường uống).
-
Telbivudine.
-
Lamivudine (đường uống).
-
Interferon alfa và interferon alfa pegylated (dùng bằng đường tiêm dưới da).
-
Ở một số bệnh nhân, sau khi điều trị bệnh vẫn có thể tái phát nên đối vói những trường hợp này phải dùng thuốc vô thời hạn.
-
-
Virus viêm gan C: Virus viêm gan C có nhiều loại, mỗi loại mang một kiểu gen khác. Điều trị viêm gan mạn do virus HCV gây ra sẽ tùy vào loại virus viêm gan C. Thông thường sẽ được kết hợp điều trị với các thuốc:
-
Interferon alfa Pegylated (tiêm);
-
Ribavirin (uống), kết hợp với sofosbuvir hoặc một chất ức chế proteasedạng uống;
-
Sofosbuvi;
-
Ribavirin (đường uống).
-
-
Viêm gan E: Ribavirin.
Viêm gan mạn do thuốc hoặc chất độc
Chỉ cần ngừng thuốc hoặc cách ly với chất độc, nghỉ ngơi là bệnh có thể tự khỏi.
Viêm gan do tự miễn
Điều trị bằng corticoid ức chế miễn dịch để giúp cải thiện tình trạng bệnh, tuy nhiên sử dụng corticoid lâu ngày có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và có nguy có tái phát bệnh. Thông thường, người bị viêm gan do tự miễn phải dùng thuốc vô thời hạn.
Điều trị ngoại khoa
Trong trường hợp viêm gan mạn quá nặng và phương án điều trị trên không có hiệu quả, bạn buộc phải ghép gan mới có thể điều trị khỏi bệnh.
Điều trị gan mạn tính phải tiến hành song song giữa việc tiêu diệt nguyên nhân gây bệnh và bảo vệ lá gan để tránh dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Đồng thời có thể kết hợp điều trị các biến chứng do viêm gan mạn gây ra.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viên gan mạn
-
Điều trị và dùng thuốc theo các hướng dẫn của bác sĩ.
-
Nếu nằm trong trường hợp bệnh dễ tái phát, người bệnh cần kiến trì dùng thuốc để duy trì sức khỏe của lá gan, không được tự ý bỏ thuốc.
-
Không uống rượu bia vì chúng có thể phá hủy lá gan nhanh hơn.
-
Ngưng sử dụng các loại thuốc ảnh hưởng đến gan. Bạn có thể thảo luận với bác sĩ về việc thay các loại thuốc có chức năng tương tự nhưng không làm hư gan của bạn.
-
Có trách nhiệm với bản thân và mọi người. Không để máu của mình tiếp xúc với người khác làm lây bệnh cho họ.
-
Người trong quá trình điều trị viêm gan không nên mang thai. Trường hợp phụ nữ có thai bị viêm gan cần thông báo ngay với bác sĩ để có biện pháp bảo vệ thai nhi kịp thời.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
-
Tiêm phòng vắc-xin phòng ngừa các loại viêm gan.
-
Không dùng chung kim tiêm với người khác.
-
Truyền máu an toàn.
-
Quan hệ tình dục an toàn.
-
Duy trì lối sống lành mạnh.
-
Hạn chế sử dụng rượu bia.
-
Khi dùng các loại thuốc cần có ý kiến của bác sĩ.
-
Ăn uống sinh hoạt và luyện tập điều độ để giữ cho gan khỏe mạnh.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.