Tìm hiểu chung
Viêm khớp phản ứng là gì?
Viêm khớp phản ứng (còn gọi là hội chứng Reiter) là tình trạng viêm khớp (đau và sưng) thường xuyên xảy ra do nhiễm trùng ở một cơ quan khác của cơ thể, phổ biến nhất là ở hệ tiết niệu sinh dục, hệ tiêu hóa, ruột hoặc bộ phận sinh dục. Bệnh gây tổn thương ở một số cơ quan như kết mạc, niệu đạo, đại tràng, cầu thận… Biểu hiện viêm có thể từ một đến vài khớp, thường gặp các khớp lớn ở hai chi dưới, cột sống, khớp cùng chậu… Đây là hậu quả của quá trình đáp ứng quá mẫn của hệ miễn dịch đối với tình trạng nhiễm khuẩn. Có tới 10 – 20% viêm khớp phản ứng là giai đoạn báo hiệu của bệnh viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vẩy nến – là các bệnh khớp mạn tính ảnh hưởng nhiều đến chức năng vận động khớp, cột sống.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm khớp phản ứng
Trước khi có biểu hiện viêm khớp phản ứng thì đa phần bệnh nhân sẽ có tiền sử viêm nhiễm đường tiết niệu – sinh dục hoặc đường tiêu hóa. Tuy nhiên, có khoảng 10% các trường hợp viêm nhiễm thường nhẹ và làm cho bệnh nhân không được chú ý đến, nhất là ở nữ.
Biểu hiện cụ thể
- Ở hệ cơ xương khớp: viêm một khớp hoặc vài khớp, không đối xứng, thường gặp ở các khớp ở chi dưới như: khớp gối, khớp cổ chân và ngón chân, có thể có biểu hiện ngón chân hình khúc dồi.
- Tổn thương ở mắt: mắt đỏ, sợ ánh sáng và đau nhức vùng hốc mắt. Nhiều người mắc bệnh viêm khớp phản ứng cũng có thể bị viêm mắt (viêm kết mạc), đỏ, ngứa và nóng mắt.
- Ngón chân hoặc ngón tay bị sưng: trong một số trường hợp, các ngón chân hoặc ngón tay của bạn có thể bị sưng phồng lên.
Bên cạnh đó còn có các biểu hiện sau: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau cơ, cứng khớp, đau gót chân, đau thắt lưng, lở miệng và lưỡi những không đau, nổi mụn nhọt ở đầu dương vật và phát ban ở lòng bàn chân.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Người bệnh cần đi khám khi cơ thể bắt đầu xuất hiện những triệu chứng trên. Ngoài ra, khi cơ thể tấy và đau ở khớp hoặc bị đau khi tiểu tiện cũng là những dấu hiệu của bệnh viêm khớp phản ứng, người bệnh nên đặc biệt quan tâm và đến các cơ sở y tế để kịp thời khám và xét nghiệm.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp phản ứng
Bệnh viêm khớp phản ứng xảy ra khi cơ thể bị nhiễm trùng. Một số loài virus gây ra bệnh viêm khớp phản ứng:
- Các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục như chlamydia;
- Bệnh ở dạ dày như ngộ độc thực phẩm hoặc viêm ruột.
Các nguyên nhân khiến vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể:
- Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa: thường do Salmonelle, Shigella, Yersinia, Campylobacter, Borrelia…;
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu – sinh dục: thường do Chlamydia Trachomatis.
Viêm khớp phản ứng không lây nhiễm. Tuy nhiên, các vi khuẩn gây ra nó có thể lây truyền qua đường tình dục hoặc trong thực phẩm bị ô nhiễm. Nhưng chỉ một vài người đã tiếp xúc với các vi khuẩn bị viêm khớp phản ứng.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc phải viêm khớp phản ứng?
Những người thường mắc hội chứng Reiter chủ yếu là nam giới trong độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi. Mặc dù phụ nữ cũng có thể có viêm khớp phản ứng, họ thường có các dấu hiệu và triệu chứng nhẹ hơn. Phụ nữ và nam giới đều có khả năng phát triển bệnh viêm khớp phản ứng trong phản ứng đối với nhiễm trùng truyền qua thực phẩm. Trong khi đó, đàn ông có nhiều khả năng phát triển viêm khớp phản ứng hơn hơn phụ nữ để đáp ứng với vi khuẩn truyền qua đường tình dục.
Ngoài ra, nếu trong gia đình hoặc cha mẹ có người bị viêm khớp phản ứng thì khả năng bạn mắc bệnh này cao hơn người bình thường.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm khớp phản ứng
Để chẩn đoán bệnh, các bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm máu. Vì các vi khuẩn gây viêm khớp vẫn còn tồn tại trong máu. Nhưng trong nhiều trường hợp, triệu chứng viêm khớp phản ứng bắt đầu sau khi đã hết nhiễm trùng.
Ngoài ra có thể kiểm tra dịch. Bác sĩ sử dụng một cây kim để thu hồi một mẫu chất lỏng từ trong phần bị ảnh hưởng. Chất lỏng này sẽ được thử nghiệm. Sau đó sẽ được tiến hành chẩn đoán bằng hình ảnh X-quang.
Phương pháp điều trị viêm khớp phản ứng hiệu quả
Hiện nay, bệnh viêm khớp phản ứng có thể điều trị bằng thuốc. Bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng sinh để loại bỏ sự lây nhiễm vi khuẩn gây ra viêm khớp phản ứng nếu nó vẫn còn phát hiện trong cơ thể. Loại kháng sinh sử dụng sẽ phụ thuộc vào các vi khuẩn có mặt.
-
Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): NSAIDs có thể làm giảm viêm và đau do viêm khớp phản ứng, bao gồm ibuprofen (Advil, Motrin, những loại khác), naproxen (Aleve) và aspirin. Trong đó, indomethacin (Indocin) có thể có hiệu quả hơn.
-
Corticosteroid: Những thuốc này có thể ngăn chặn viêm khớp xương. Tiêm corticosteroid vào khớp bị ảnh hưởng có thể làm giảm viêm và cho phép khớp trở về mức độ hoạt động bình thường.
Bên cạnh dùng thuốc, người bệnh sẽ được điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu. Tập thể dục có thể giúp những người bị viêm khớp cải thiện chức năng khớp. Bác sĩ có thể chỉ định liệu pháp vật lý, cung cấp các bài tập cụ thể cho các khớp và cơ bắp, giúp làm tăng tính linh hoạt các khớp nối và làm giảm độ cứng. Nếu duy trì những bài tập vật lý này, bệnh tình của người bệnh sẽ được cải thiện đáng kể.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm khớp phản ứng
Để nhanh khỏi, người bệnh cần uống thuốc và tái khám định kì theo chỉ dẫn của bác sĩ, không nên tự ý ngưng thuốc khi không có sự cho phép của bác sĩ. Người bệnh cần tập các bài tập thể dục giãn cơ hằng ngày để giữ khớp khỏi bị co cứng. Đặc biệt, người bệnh phải giữ tư thế ngồi, ngủ đúng cách và có chế độ ăn uống hợp lý. Với trường hợp đau dữ dội có thể sử dụng miếng dán nóng lạnh để giảm đau.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.