Tìm hiểu chung
Viêm khớp là gì?
Viêm khớp là tình trạng viêm của khớp, có thể ảnh hưởng lên nhiều khớp khác nhau. Có hai loại viêm khớp thường gặp là viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp.
Viêm xương khớp:
Viêm xương khớp có thể ảnh hưởng đến lớp đệm của sụn khớp, làm người bệnh đau đớn và khó khăn khi di chuyển. Khi viêm nặng, sụn bị phá hủy có thể dẫn đến xương bị ma sát, khớp bị biến dạng, mọc gai xương hoặc xương rời khỏi vị trí bình thường. Tình trạng này thường xảy ra ở khớp bàn tay, cột sống, đầu gối, hông. Lứa tuổi trung niên, đặc biệt từ 40 tuổi trở lên là đối tượng dễ mắc bệnh nhất.
Viêm khớp dạng thấp:
Nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng đầu tiên là phần màng che phủ khớp. Sau đó, tình trạng viêm sẽ lan đến những khớp xung quanh. Viêm khớp dạng thấp thường gây biến dạng khớp; điều này có thể dẫn đến gãy xương và sụn. Nghiêm trọng hơn, viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến mô mềm và các cơ quan khác.
Viêm khớp là căn bệnh rất phổ biến. Ở người già, viêm khớp xuất hiện do quá trình thoái hóa khớp; còn ở người trẻ, tình trạng này thường xuất hiện do viêm đa khớp dạng thấp hoặc các bệnh khớp tự miễn khác. Điều trị viêm khớp thường không triệt để, chủ yếu là làm giảm đau, giúp khớp hoạt động dễ dàng hơn và hạn chế bệnh tái phát cũng như ngăn ngừa biến dạng khớp.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm khớp
Các triệu chứng viêm khớp thường thấy như:
-
Đau khớp, ngay cả lúc không di chuyển;
-
Viêm tại chỗ hay xung quanh các khớp;
-
Sưng và cứng khớp;
-
Đỏ vùng da quanh khớp bị viêm;
-
Khớp bị hạn chế cử động.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp
Sụn là mô liên kết bao bọc các đầu xương giúp bảo vệ xương không bị ma sát vào nhau khi di chuyển. Nếu mô sụn bị viêm và bị bào mòn, các đầu xương không còn được bảo vệ sẽ dẫn đến va chạm vào nhau, bào mòn xương và gây ra tình trạng viêm, dẫn đến sự đau đớn và hạn chế cử động. Nguyên nhân cụ thể của mỗi loại viêm khớp thì khác nhau, bao gồm:
-
Tuổi tác: Tuổi tác càng cao, các tế bào xương trở nên già hóa. Khớp cũng trở nên khô do không còn tiết ra nhiều dịch khớp. Kèm theo đó là sụn giòn và dễ gãy hơn.
-
Chấn thương: Trong quá trình vận động, chơi thể thao hoặc tai nạn gây chấn thương đều có ảnh hưởng đến xương khớp và làm tăng nguy cơ bị viêm.
-
Do thừa cân, bị béo phì: Cân nặng quá mức làm tăng áp lực của cơ thể lên các khớp, đặc biệt là khớp đầu gối, khớp hông và cột sống.
-
Làm việc với động tác hoặc tư thế lặp đi lặp lại trong thời gian dài gây các dạng viêm khớp như: viêm khớp ngón tay, viêm khớp ngón chân, viêm khớp bàn tay, cổ tay, khớp vai,…
-
Hệ miễn dịch: Trong viêm khớp dạng thấp, hệ miễn dịch của cơ thể tấn công lớp màng của bao khớp – đây là một lớp màng bền chắc bao phủ toàn bộ khớp. Lớp màng này sẽ trở nên viêm và phù nề.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ bị viêm khớp?
Viêm khớp là một bệnh khá phổ biến. Bệnh ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới. Hơn thế nữa, nó có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, kể cả trẻ em.
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm khớp như:
-
Có tiền sử bị chấn thương khớp.
-
Tuổi tác càng lớn nguy cơ viêm khớp càng cao.
-
Người bị thừa cân, béo phì.
-
Lặp đi lặp lại thường xuyên một động tác cụ thể.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm khớp
Bác sĩ chẩn đoán viêm khớp dựa trên các phương pháp sau:
-
Khám lâm sàng và xem xét các triệu chứng.
-
Hỏi bệnh sử và những chấn thương mà người bệnh gặp phải trong quá khứ.
-
Kiểm tra phần dịch xung quanh các khớp bị viêm bằng các xét nghiệm sau:
-
X-Quang: Cho thấy sự mất sụn, tổn thương xương và lồi xương.
-
Chụp cắt lớp vi tính (CT): Cho phép nhìn thấy cả xương và mô xung quanh.
-
Cộng hưởng từ (MRI): Tạo ra được những hình ảnh cắt ngang của mô mềm chi tiết hơn như sụn, gân và dây chằng.
-
Phương pháp điều trị viêm khớp hiệu quả
Việc điều trị dứt điểm viêm khớp rất khó đạt được, mục tiêu của việc điều trị là giảm đau, giúp khớp hoạt động dễ dàng hơn và hạn chế bệnh tái phát cũng như ngăn ngừa biến dạng khớp.
Thuốc thường dùng trong điều trị viêm khớp bao gồm:
-
Thuốc giảm đau (giúp giảm đau nhưng không cải thiện tình trạng viêm).
-
NSAID như ibuprofen;
-
Corticoid.
Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật:
-
Phẫu thuật tạo hình khớp để thay thế khớp bị ảnh hưởng với một khớp tương ứng khác.
-
Phẫu thuật làm cứng khớp: đầu xương sẽ bị khóa lại với nhau cho đến khi chúng được chữa lành và trở thành một.
-
Tạo hình xương: xương sẽ được phẫu thuật tái tạo theo chuẩn.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm khớp
Bên cạnh điều trị, một vài thay đổi trong cuộc sống có thể giúp bạn kiểm soát viêm khớp như:
-
Tập thể dục thường xuyên, nhẹ nhàng và vừa sức sẽ giúp khớp của bạn dẻo dai.
-
Nghỉ ngơi để tránh quá sức, điều này có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh của bạn.
-
Ăn kiêng, ăn thức ăn có chứa chất chống oxy hóa có thể giảm viêm.
-
Duy trì cân nặng ổn định, cân đối để tránh tạo áp lực lên các khớp xương.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.