Tìm hiểu chung
Viêm loét đại tràng là bệnh gì?
Viêm loét đại tràng là tình trạng đại tràng bị loét ở lớp niêm mạc đường tiêu hóa. Bệnh thường bắt đầu từ trực tràng và lan lên trên, gây ra triệu chứng tiêu chảy có máu. Các khu vực bị viêm loét có thể tạo thành các ổ áp-xe nhỏ trong niêm mạc ruột già. Bệnh dễ bị nhầm với nhiễm trùng ruột kết và thường tái phát. Đây là bệnh nguy hiểm, có thể gây nhiều biến chứng phức tạp và dẫn đến tử vong nên cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm loét đại tràng
-
Đau bụng;
-
Tiêu chảy,
-
Phân nhầy và có máu;
-
Mệt mỏi;
-
Sụt cân;
-
Chán ăn;
-
Sốt;
-
Đau khớp, thường là ở gối, mắt cá chân và cổ tay.
Biến chứng có thể gặp khi bị viêm loét đại tràng
Viêm loét đại tràng nếu không chữa trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như:
-
Chảy máu dẫn đến mất máu nghiêm trọng.
-
Thủng ruột.
-
Phình đại tràng (đại tràng giãn to).
-
Viêm phúc mạc.
-
Có nguy cơ bị ung thư đại tràng cao hơn.
-
Bệnh gan.
-
Loãng xương, viêm khớp.
-
Tử vong.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn xuất hiện các triệu chứng được nhắc đến ở trên để có chẩn đoán chính xác và phương án chữa trị kịp thời. Cần đến bác sĩ ngay lập tức nếu gặp các triệu chứng sau:
-
Bị sốt hoặc ớn lạnh, tăng số lần đi cầu hoặc chảy máu nhiều hơn.
-
Bụng căng, đau hoặc bắt đầu nôn.
Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến viêm loét đại tràng
Cho đến nay nguyên nhân của bệnh viêm loét đại tràng chưa được xác định cụ thể, có thể do một trong các nguyên nhân sau:
-
Do hoạt động không bình thường của hệ miễn dịch trong quá trình chống lại sự xâm nhập của vi sinh vật gây hại (có thể là nấm, vi khuẩn, virus), nếu gặp rối loạn thì có thể quay ngược lại tấn công các tế bào ở hệ tiêu hóa.
-
Do di truyền: Các số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ mắc bệnh cao hơn khi có người thân trong gia đình đã mắc bệnh.
-
Môi trường sống: Tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở môi trường thành thị, các nước công nghiệp trong nhóm phát triển và đang phát triển vì những nơi này có chế độ ăn uống nhiều chất béo, các loại thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nhiều calo dẫn đến nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
-
Sử dụng kháng sinh không đúng cách: Sử dụng kháng sinh quá liều, không đúng loại và không theo chỉ định có thể phá vỡ sự cân bằng ổn định hệ vi sinh vật trong đường ruột, dẫn đến viêm loét đại tràng.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ bị viêm loét đại tràng?
Bệnh viêm loét đại tràng có thể xảy ra với tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi và giới tính. Bệnh đặc biệt phổ biến ở nữ giới trong độ tuổi từ 15 – 40 tuổi.
Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ viêm loét đại tràng, bao gồm:
-
Tuổi tác: Viêm loét đại tràng thường bắt đầu trước tuổi 30. Tuy nhiên, nó có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, và một số người có thể không phát bệnh cho đến khi 60 tuổi.
-
Chủng tộc: Mặc dù người da trắng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất nhưng bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ chủng tộc nào.
-
Tiền sử gia đình: Bạn có nguy cơ cao hơn nếu bạn có một người thân, như bố mẹ, anh chị em bị bệnh.
-
Sử dụng isotretinoin và thuốc chống viêm không steroid: Một số nghiên cứu cho thấy nó là một yếu tố nguy cơ cho viêm loét đại tràng hoặc khiến đại tràng tồi tệ hơn.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh viêm loét đại tràng
Để kết luận viêm loét đại tràng còn cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh có những triệu chứng tương tự như bệnh Crohn, viêm đại tràng thiếu máu cục bộ, hội chứng ruột kích thích, nhiễm trùng, viêm túi thừa, ung thư đài tràng. Các bác sĩ có thể chẩn đoán viêm loét đại tràng bằng cách:
-
Hỏi bệnh sử và những triệu chứng mà bạn mắc phải.
-
Phân tích mẫu phân: Để loại trừ nguyên nhân nhiễm trùng và ký sinh trùng, vì những bệnh này cũng có triệu chứng giống như viêm loét đại tràng.
-
Xét nghiệm máu: Kiểm tra cho thấy thiếu máu và tăng tế bào bạch cầu, tăng tốc độ lắng máu là dấu hiệu của viêm loét đại tràng.
-
Nội soi đại tràng: Quan sát trực tiếp bên trong lòng đại tràng giúp chẩn đoán bệnh và xác định mức độ lan rộng của tổn thương viêm loét đại tràng.
-
Ngoài ra còn thể thể thực hiện chụp X-quang, CT với bari phản quang cũng cho kết quả chẩn đoán chính xác.
Phương pháp điều trị bệnh viêm loét đại tràng hiệu quả
Điều trị có thể bao gồm dùng thuốc và phẫu thuật để làm giảm triệu chứng, kiểm soát viêm và ngăn ngừa biến chứng. Các loại thuốc được dùng để điều trị viêm loét đại tràng là:
-
Thuốc kháng viêm, bao gồm mesalamine, sulfasalazine, olsalazine và corticosteroid.
-
Thuốc ức chế miễn dịch.
-
Một số loại thuốc kháng: Thuốc kháng sinh, thuốc chống tiêu chảy, thuốc giảm đau, viên uống chứa chất sắt.
Các loại thuốc này có thể mang lại hiệu quả cho người này những lại kém hiệu quả với người khác. Cần phải có thờ gian sử dụng để tìm được loại thuốc tốt nhất phù hợp với cơ thể. Trong trường hợp điều trị bằng thuốc kết hợp thay đổi lối sống không mang lại hiệu quả tốt hoặc bệnh diễn tiến nghiêm trọng, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật để cắt bỏ phần đại tràng bị loét. Khoảng 1/2 đến gần 1/4 số người mắc viêm loét đại trạng phải sử dụng phương pháp này.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh viêm loét đại tràng
-
Tái khám thường xuyên và thực hiện theo đúng các hướng dẫn của bác sĩ.
-
Nếu bạn muốn sử dụng thực phẩm chức năng hoặc các loại viên uống bổ sung dinh dưỡng, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
-
Nội soi đại tràng định kì để theo dõi tình trạng bệnh.
-
Có gắng hoạt động và sinh hoạt bình thường.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
-
Đảm bảo ăn chín, uống sôi, tránh các thực phẩm đã nhiễm bẩn, ôi thiu, thực phẩm chưa rõ nguồn gốc và nghi ngờ nhiễm khuẩn.
-
Chế độ ăn cân đối, đầy đủ các chất dinh dưỡng: thịt, cá, trứng, rau xanh, hoa quả…
-
Tránh xa hoặc hạn chế các loại thực phẩm tái, chưa chín: rau sống, gỏi…
-
Không nên dùng sữa hoặc các chế phẩm từ sữa để tánh tiêu chảy.
-
Rửa tay bằng xà phòng tiệt trùng sạch sẽ trước mỗi bữa ăn.
-
Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần.
-
Tập thể dục, chơi thể thao thường xuyên để nâng cao sức khỏe bản thân, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
-
Không nên căng thẳng quá độ.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.