Tìm hiểu chung

Viêm màng não mô cầu là bệnh gì?

Bệnh viêm màng não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do khuẩn Neisseria meningitidis gây ra, làm viêm màng bao bọc não và tủy sống. Đây là tình trạng nghiêm trọng và có thể gây tử vong chỉ sau vài giờ mắc bệnh. Khi được điều trị, người bệnh có thể hồi phục nhưng không thể loại trừ nguy cơ bị các di chứng vĩnh viễn sau đó như tổn thương não bộ, mất thính lực. Hiện đã có vắc xin phòng bệnh viêm màng não mô cầu.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm màng não mô cầu

Viêm màng não mô cầu có thời gian ủ bệnh từ 2 đến 10 ngày nhưng thông thường trong vòng 4 ngày là sẽ xuất hiện các triệu chứng của bệnh. Các triệu chứng thường gặp của viêm màng não mô cầu:

  • Sốt cao;

  • Đau đầu dữ dội;

  • Buồn nôn hoặc nôn;

  • Cứng gáy;

  • Mệt mỏi;

  • Có thể đau họng;

  • Xuất hiện chấm hay mảng xuất huyết, ban xuất huyết hình sao;

  • Tâm trạng thất thường.

Nếu viêm màng não mô cầu xảy ra ở trẻ em, có thể sẽ có các triệu chứng:

  • Trẻ khóc dai dẳng;

  • Dễ kích thích;

  • Thở nhanh, gấp;

  • Ngủ gà;

  • Ban da chuyển sang màu xanh hay xám;

  • Tay chân lạnh;

  • Co giật.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Vi khuẩn có thể chỉ gây viêm mạc hầu họng nhưng trong trường hợp vi khuẩn xâm nhập vào máu (thể hiện bằng phát ban đỏ ở da, khi ấn vào nốt ban không bị mất đi) và màng não có thể gây nhiễm độc máu và viêm màng não, để lại các tổn thương không mong muốn, nghiêm trọng nhất là tử vong. Do đó, khi phát hiện các dấu hiệu hoặc triệu chứng đã nêu trên thì bạn cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến viêm màng não mô cầu

Vi khuẩn gây bệnh não mô cầu có tên khoa học là Neisseria meningitidis. Về hình thái, vi khuẩn có dạng song cầu hình hạt cà phê nằm trong tế bào. Trong môi trường bên ngoài  thì vi khuẩn dễ bị diệt bởi nhiệt độ 500C trong 5 phút, 1000C chỉ trong 30 giây, các thuốc khử khuẩn thông thường đều dễ diệt vi khuẩn. Dựa vào những kháng nguyên polyozit, người ta chia vi khuẩn não mô cầu thành 4 nhóm chính là A, B, C và D, trong đó não mô cầu nhóm A và B thường hay gặp nhất. Ngoài ra người ta còn bổ sung thêm những nhóm huyết thanh gây bệnh của vi khuẩn não mô cầu như W-135, X, Y và Z. Những vi khuẩn thuộc nhóm huyết thanh này có thể có ít độc lực nhưng vẫn có thể gây bệnh nặng.

Khuẩn Neisseria meningitidis có thể gây viêm ở bất cứ vùng nào trên cơ thể mà nó tiếp xúc như da, đường tiêu hóa hoặc đường hô hấp. Khi nó đi vào máu để tới hệ thần kinh thì gây viêm màng não. Ở một số người bị nhiễm khuẩn Neisseria meningitidis ở họng nhưng lại không bị vi khuẩn tấn công lên não, tuy nhiên những người này vẫn có thể truyền vi khuẩn cho người khác và người đó lại mắc bệnh viêm màng não mô cầu.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm màng não mô cầu?

Bệnh viêm não mô cầu lây trực tiếp từ người mang bệnh sang người khỏe mạnh. Bệnh lây qua đường hô hấp khi những tia nước bọt mang vi khuẩn của người bệnh truyền sang cho người lành bệnh lúc họ nói chuyện, ho, hắt hơi.

Mặc dù là bệnh hiếm gặp nhưng mức độ tổn thương đối với người mắc bệnh là vô cùng cao. Bệnh có thể xảy ra với bất cứ ai, trong đó trẻ nhỏ và thanh thiếu niên có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Những yếu tố sau sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh, bao gồm:

  • Tiếp xúc trực tiếp với dịch của người bệnh.

  • Bị nhiễm trùng đường hô hấp trên.

  • Sống trong khu vực đang lưu hành dịch bệnh.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm màng não mô cầu

Bệnh viêm màng não mô cầu có các triệu chứng lâm sàng khá giống các trường hợp nhiễm vi khuẩn khác với các biểu hiện như đau họng, đau mỏi người. Do đó, để có thể có chẩn đoán chính xác, người bệnh sẽ được làm các xét nghiệm chuyên sâu để tìm ra nguyên nhân của bệnh, bao gồm:

  • Xét nghiệm máu;

  • Xét nghiệm dịch não tủy.

Phương pháp điều trị viêm màng não mô cầu hiệu quả

Thông thường đối với trường hợp bệnh nhân có nghi ngờ mắc phải viêm màng não mô cầu thì phải áp dụng điều trị kháng sinh càng sớm càng tốt. Thuốc kháng sinh có thể được chỉ định ngay sau cấy máu, trước cả khi chọc sống lưng lấy tủy làm xét nghiệm. Các loại kháng sinh được khuyên dùng là:

  • Penicillin G

  • Ampicillin

  • Lincocin

  • Oxacillin

  • Cephalosporin thế hệ 3.

Quá trình điều trị thường kéo dài từ 7 đến 10 ngày để các loại kháng sinh thấm vào màng não tốt hơn. Thuốc kháng sinh sẽ giúp ngăn ngừa bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn và giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người khác.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Hiện tại, bệnh viêm màng não mô cầu đã có vắc xin phòng ngừa nên tiêm vắc xin là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Ngoài ra để phòng tránh bệnh thì có các biện pháp phòng ngừa sau:

  • Sử dụng khẩu trang khi đi ngoài đường hoặc tiếp xúc nơi đông người.

  • Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

  • Giữ gìn vệ sinh xung quanh khu vực sống và làm việc.

  • Cần cách ly người bệnh để tránh lây lan ra cộng đồng.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *