Tìm hiểu chung
Viêm não Nhật Bản là gì?
Bệnh viêm não Nhật Bản là một loại bệnh nhiễm trùng cấp tính gây tổn thương hệ thần kinh trung ương. Bệnh có thể xuất hiện quanh năm nhưng tập trung vào các tháng 5, 6 và 7. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm não Nhật Bản
Người mắc bệnh có các dấu hiệu như:
-
Sốt cao đột ngột liên tục, nhức đầu nhiều.
-
Buồn nôn, nôn và đau đầu.
-
Đôi khi còn có các triệu chứng co cứng cơ, co giật, thậm chí là lú lẫn.
Thời kỳ ủ bệnh thường từ 1 – 6 ngày, ngắn nhất 24 giờ, nhiều nhất là 14 ngày và sau đó sẽ kèm các triệu chứng liên quan đến màng não, não và rối loạn thần kinh.
-
Triệu chứng màng não của bệnh thường có 2 triệu chứng phổ biến là cứng gáy và dấu hiệu Kernig. Rối loạn vận động thể hiện trên nhiều mặt như co cứng cơ, co giật, run, co vặn, động kinh, liệt nửa người và mất vận động ngôn ngữ.
-
Các triệu chứng thần kinh thường rất đa dạng và nặng nề: rối loạn ý thức, tim đập nhanh, rối loạn hô hấp,…
Tác động của viêm não Nhật Bản đối với sức khỏe
Triệu chứng của bệnh khá hiếm, nhưng đây là bệnh có tỷ lệ tử vong cao hoặc nếu qua khỏi thì khả năng bị di chứng có thể lên đến 30 – 50%. Bệnh viêm não Nhật Bản khá nguy hiểm. Bệnh để lại các di chứng thần kinh lớn như động kinh, giảm học lực, đần độn, liệt, thất ngôn. Các di chứng thần kinh như vậy thường chiếm hơn 50% người bị mắc bệnh, thường gây tàn phế, mất khả năng lao động, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi bạn đã từng đến vùng có dịch bệnh trong khoảng thời gian gần đây hoặc khi phát hiện có tình trạng sốt cao đột ngột, nhức đầu nhiều, rối loạn ý thức, hoặc nặng hơn là tình trạng hôn mê thì cần ngay lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán kịp thời và chữa trị.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến viêm não Nhật Bản
Virus gây bệnh là loại virus thuộc nhóm flavivirus, chung nhóm virus bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng da và siêu vi trùng West Nile, được truyền từ hạch nước bọt muỗi qua da khi muỗi đốt người. Loại muỗi này có tên là Culex, muỗi sẽ đốt vật chủ mang mầm bệnh sau đó đốt sang người.
Vật chủ mang mầm bệnh thường là heo, ngựa và một số loài chim.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc phải viêm não Nhật Bản?
Trẻ em thường có nguy cơ mắc bệnh viêm não Nhật Bản cao do sức đề kháng của trẻ còn yếu. Lứa tuổi trẻ dễ mắc bệnh thường từ 2 – 7 tuổi.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm não Nhật Bản, bao gồm:
-
Gia đình chăn nuôi gia súc sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao vì vật chủ của bệnh này là gia súc, điển hình như lợn.
-
Xung quanh nhà có nhiều ao tù nước đọng, sống trong khu vực có dịch bệnh.
-
Viêm não Nhật Bản phát triển nhanh vào mùa mưa nên vào thời điểm này nguy cơ mắc bệnh là rất cao.
-
Người sống vùng nông thôn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn khu vực thành thị.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm não Nhật Bản
Bác sĩ sẽ khám lâm sàng, xem xét các triệu chứng của bạn, hỏi về nơi cư trú, hoặc những nơi bạn đã từng ghé thăm. Điều này sẽ giúp bác sĩ định hướng được bạn có khả năng bị viêm não Nhật Bản hay không.
Nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm virus gây bệnh sẽ cho chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ cho não trước khi chọc dịch não tủy làm xét nghiệm. Sau đó có thể thực hiện thêm điện đồ não, xét nghiệm máu để đưa ra chẩn đoán chính xác.
Phương pháp điều trị viêm não Nhật Bản hiệu quả
Hiện nay, bệnh viêm não Nhật Bản vẫn chưa có thuốc điều trị triệt để. Do vậy nội dung điều trị là chống phù nề não, điều trị triệu chứng và chống bội nhiễm. Khi bệnh nhân được xác định là bị viêm não Nhật Bản thì các biện pháp điều trị được đưa ra để ngăn chặn nguy cơ tử vong và giảm thiểu các biến chứng, di chứng.
Việc điều trị kịp thời, tích cực tại các cơ sở y tế là rất quan trọng để giảm bớt phần nào diễn biến xấu của bệnh, cứu bệnh nhân qua khỏi cơn nguy kịch. Một số phương pháp được áp dụng là: dùng thuốc hạ sốt, chống co giật, chống suy thở, chống phù não, bồi phụ nước, điện giải và chăm sóc dinh dưỡng. Sau đó điều trị để phục hồi vận động, tâm thần kinh nếu bệnh nhân gặp phải các di chứng này.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Bệnh viêm não Nhật Bản thường lây nhiễm khi chúng ta bị muỗi có chứa virus gây bệnh tấn công. Vì vậy cần phòng bệnh bằng cách:
-
Ngủ màn, sử dụng hương diệt muỗi hoặc thuốc xịt ngoài da chống muỗi đốt, gắn lưới cho tất cả các cửa nhà, cửa sổ.
-
Khi sinh hoạt bên ngoài vào ban đêm, phải mặc quần áo dài, đi tất.
-
Cần thông quang hoặc lấp các cống rãnh, không để ao tù nước đọng quanh nhà.
-
Nếu nhà có nuôi gia súc, gia cầm thì nên miễn dịch cho gia súc, gia cầm.
-
Hạn chế đi đến vùng có dịch bệnh.
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất vẫn là tiêm phòng viêm não Nhật Bản nhằm tạo kháng thể miễn dịch chủ động. Hiện nay có khoảng 4 loại vắc xin phòng viêm não Nhật Bản được đưa vào sử dụng. Trong đó, vắc xin sống giảm động lực SA14-14-2 là loại được sử dụng phổ biến nhất ở các nước có dịch bệnh.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.