Tìm hiểu chung

Viêm nha chu là gì?

Viêm nha chu (Periodontitis) là tình trạng bệnh lý gây ra chảy máu, sưng, đỏ, chảy dịch, thay đổi đường viền lợi và đôi khi gây khó chịu, mô mềm và xương quanh răng bị phá hủy, có thể làm răng bị lung lay, hoặc nặng hơn là mất răng.

Đây là bệnh phổ biến do tình trạng vệ sinh răng miệng kém nhưng phần lớn có thể phòng ngừa được bằng cách vệ sinh răng hằng ngày, cùng với việc sử dụng chỉ nha khoa và kiểm tra răng miệng định kỳ.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm nha chu

Thông thường, nướu chắc mịn, ôm khít lấy răng, và tạo hình nhú nướu khỏe mạnh. Nướu sừng hóa gần thân răng là mô hồng có dạng chấm, bao phủ phần không gian giữa các thân răng. Phần nướu xa thân răng được gọi là niêm mạc xương ổ răng, không sừng hóa, giàu mạch máu, di động, và liên tục với niêm mạc miệng. Dùng cây đè ép lên vùng nướu bình thường thì không chảy máu hoặc mủ. Khi bị viêm nha chu, sẽ có những thay đổi ở phần nướu này bao gồm các dấu hiệu, triệu chứng sau: 

  • Tăng độ sâu rãnh nướu, nướu bị kéo tụt lại làm cho răng trông dài hơn, nướu kém săn chắc và đàn hồi.

  • Thay đổi màu sắc nướu: Nướu có màu đỏ tươi, đỏ sẫm hoặc đỏ tía.

  • Viêm nướu dọc theo một hoặc nhiều răng, sưng phồng nhú nướu, phì đại tạo nên túi lợi giả.

  • Tình trạng nướu dễ bị chảy máu khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa. 

  • Hôi miệng.

  • Có mủ giữa răng và nướu.

  • Khi răng lung lay, đặc biệt là khi chỉ còn một phần ba chân răng trong xương, việc ăn nhai sẽ trở nên đau đớn.

  • Răng lung lay hoặc rụng răng.

Theo phân loại của Viện Nha khoa Hoa Kỳ 2017 (American Academy of Periodontology’s – AAP) có 3 dạng viêm nha chu và với mỗi loại sẽ có 1 vài triệu chứng, dấu hiệu đặc trưng riêng:

  • Viêm nhu chu mạn tính: Có thể bắt đầu từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành. Khoảng 85% dân số bị ảnh hưởng ở mức độ nhẹ, nhưng những trường hợp nặng nhất gặp ở < 5% dân số, loại này đặc trưng bởi các mảng bám răng tích tụ lại, vi khuẩn trong các mảng bám gây các tổn thương với các triệu chứng như ở trên, nếu không điều trị có thể dẫn đến mất răng.

  • Viêm nha chu hoại tử: Đây là một bệnh đặc biệt nguy hiểm, tiến triển nhanh chóng, đặc trưng bởi hoại tử hoặc loét các nhú kẽ răng, chảy máu nướu, gây đau. Ở một số bệnh nhân, tình trạng viêm nhiễm còn liên quan đến khoang miệng, gây viêm miệng hoại tử. Viêm nha chu hoại tử thường xảy ra ở những bệnh nhân bị suy giảm hệ thống miễn dịch và do đó thường được gọi là viêm nha chu liên quan đến HIV vì HIV là một nguyên nhân phổ biến. 

  • Viêm nha chu là biểu hiện của 1 bệnh lý hệ thống khác: Đây là tình trạng được xem xét ở những bệnh nhân có mức độ viêm không cân xứng với mảng bám hoặc các yếu tố tại chỗ khác và bệnh nhân đó đang có bệnh hệ thống, một số bệnh lý có thể có biểu hiện viêm nha chu như các bệnh toàn thân liên quan đến bệnh huyết học (giảm bạch cầu trung tính mắc phải, mất bạch cầu hạt, bệnh bạch cầu…) hoặc các bệnh liên quan đến rối loạn di truyền (hội chứng Down, bệnh Crohn, mất bạch cầu hạt di truyền ở trẻ sơ sinh…).

Tác động của viêm nha chu đối với sức khỏe 

Viêm nha chu làm tổn thương mô mềm và có thể dẫn đến phá hủy xương nâng đỡ răng, răng sẽ bị lung lay và dẫn đến mất răng. Chức năng nhai bị ảnh hưởng, gây đau đớn, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của người bệnh.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm nha chu

Bệnh nha chu có thể làm tổn thương nướu và phá hủy mô xương nâng đỡ răng, có thể dẫn đến mất răng. Ngoài ra, sự thâm nhập của các vi khuẩn ở các mảng bám ở bề mặt răng qua mô nướu và vào hệ tuần hoàn chung có thể gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể và gây ra các bệnh lý: Các bệnh lý hô hấp như viêm phổi, COPD, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp đến nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực suy tim và đột quỵ; viêm khớp dạng thấp, bệnh Alzheimer và các biến chứng trên thai kỳ như nguy cơ sinh non, sinh nhẹ cân.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Thường xuyên kiểm tra răng miệng theo lịch hẹn với nha sĩ. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của bệnh viêm nha chu, hãy liên hệ ngay với nha sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Viêm nha chu càng dễ điều trị và khỏi bệnh khi bạn đi khám càng sớm.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến viêm nha chu

Hầu hết các trường hợp viêm nhu chu có nguyên nhân chính là các mảng bám răng (do vệ sinh răng miệng kém) gây ra. Một số ít các trường hợp không do mảng bám răng.

Khi vệ sinh răng miệng kém, thường sẽ có sự tích tụ nhiều mảng bám tích tụ giữa răng và lợi, đó là sự kết tụ của vi khuẩn, cặn thức ăn, nước bọt và chất nhầy có muối canxi và photphat. Nếu các mảng bám này không được loại bỏ qua đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa, sẽ gây ra tình trạng viêm nướu, đây là tình trạng nướu bị kích thích và viêm một phần nướu xung quanh chân răng. 

Các mảng bám không được loại bỏ sẽ cứng lại, hình thành nên vôi răng (cao răng), đồng thời các mảng bám càng đi sâu quá rãnh lợi bình thường, tạo ra túi nướu chứa các vi khuẩn kỵ khí bao gồm Aggregatibacter actinomycetemcomitans, Porphyromonas gingivalis, Eikenella corrodens, và nhiều trực khuẩn Gram âm.

Các vi khuẩn này kích hoạt giải phóng các chất trung gian gây viêm bao gồm cytokine, prostaglandin, và các enzym từ bạch cầu trung tính và bạch cầu đơn nhân. Kết quả là tình trạng viêm ảnh hưởng đến dây chằng nha chu, nướu, men răng và xương ổ răng. Nướu dần dần mất khả năng bám vào răng, bắt đầu tiêu xương và túi nha chu sâu hơn. Với tình trạng mất xương tiến triển, răng có thể lung lay và lợi bị tụt xuống. Răng lung lay thường xảy ra ở giai đoạn sau và có thể bị mất răng.

Viêm lợi không do mảng bám xảy ra với một tỷ lệ nhỏ. Nguyên nhân bao gồm nhiễm vi khuẩn, virus và nấm, phản ứng dị ứng, chấn thương, rối loạn niêm mạc da (ví dụ như lichen planus, pemphigoid) và các rối loạn về di truyền (ví dụ, u xơ lợi di truyền).


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm nha chu?

  • Bệnh nhân lớn tuổi;

  • Bệnh nhân béo phì;

  • Bệnh nhân hút thuốc lá hoặc nhai thuốc lá;

  • Bệnh nhân mắc đái tháo đường;

  • Bệnh nhân có chế độ dinh dưỡng không đầy đủ bao gồm thiếu vitamin C;

  • Bệnh nhân mắc viêm khớp dạng thấp;

  • Bệnh Crohn;

  • Bệnh nhân có người thân mắc bệnh (yếu tố di truyền);

  • Bệnh nhân mắc phải các bệnh lý làm giảm khả năng miễn dịch như: Bệnh bạch cầu, HIV/AIDS và ung thư;

  • Bệnh nhân mang thai hoặc mãn kinh.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm nha chu

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc A, bao gồm:

  • Chăm sóc răng miệng kém như không đánh răng, đánh răng không kỹ, không loại bỏ các mảng thức ăn thừa sau ăn,…

  • Có mảng bám ở răng;

  • Tình trạng căng thẳng, stress;

  • Sử dụng một số thuốc gây khô miệng hoặc ảnh hưởng đến nướu;

  • Tình trạng làm dụng thuốc gây nghiện.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm nha chu

Hỏi thông tin bệnh sử của bệnh nhân

  • Các thông này sẽ giúp xác định bệnh nhân có phải là đối tượng hoặc có các yếu tố nguy cơ dễ mắc viêm nha chu.

Đánh giá lâm sàng

  • Khám răng miệng để quan sát biểu hiện và triệu chứng viêm nha chu.

  • Đo độ sâu của các túi nướu để đánh giá tình trạng bệnh: Nếu các túi này có độ sâu < 3mm kết luận bình thường, các túi sâu hơn 4 mm là dấu hiệu của bệnh viêm nha chu, các túi nướu sâu > 5mm thường không thể được làm sạch hẳn.

Chụp X-quang nha khoa

  • Chụp X-quang nha khoa kiểm tra tình trạng tiêu xương ổ răng liền kề với các túi nha chu.

Phương pháp điều trị viêm nha chu hiệu quả

Mục tiêu của việc điều trị là loại bỏ các mảng bám, vôi răng, các túi nướu hình thành giữa nướu và răng, làm giảm tiến triển của bệnh gây ảnh hưởng đến các phần xung quanh và răng, khôi phục lại chức năng nhai bình thường, không gây đau đớn. Bao gồm các phương pháp điều trị:

Điều trị không phẫu thuật (đối với viêm nha chu không tiến triển)

  • Loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây bệnh như vệ sinh răng miệng kém, kiểm soát tốt các bệnh kèm (bệnh đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp…), các yếu tố nguy cơ như hút thuốc, dùng thuốc gây khô miệng, ảnh hưởng nướu…

  • Làm sạch mảng bám, cao răng (làm sạch bằng dụng cụ bằng tay hoặc bằng siêu âm) và làm nhẵn chân răng (loại bỏ mô cement và ngà bệnh lý sau đó làm nhẵn chân răng) để ngăn chặn sự tích tụ thêm của mảng bám, vi khuẩn, các sản phẩm chuyển hóa của vi khuẩn gây viêm và tác động xấu đến quá trình chữa lành tổn thương.

  • Cần vệ sinh răng miệng kỹ càng, đánh răng tối thiểu ngày 2 lần, đặc biệt cần đánh răng sau khi ăn, sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ các mảng thức ăn thừa, có thể súc miệng với dụng dịch chlorhexidine.

  • Có thể sử dụng thuốc kháng sinh tại chỗ hoặc uống có thể giúp kiểm soát nhiễm khuẩn. Thuốc kháng sinh tại chỗ có thể bao gồm súc miệng bằng kháng sinh (chlorhexidine) hoặc nhét gel có chứa kháng sinh vào khoảng giữa răng và nướu hoặc vào túi sau khi làm sạch sâu. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh uống có thể cần thiết để loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn gây nhiễm khuẩn.

  • Sau khi điều trị, bệnh nhân được đánh giá lại sau 3 tuần. Nếu túi lợi < 4mm thì chỉ cần điều trị bằng cách làm sạch định kỳ. Để làm sạch phần chân răng nằm sâu có thể cần tạo vạt lợi. Nếu túi lợi sâu > 4mm thì có thể sử dụng kháng sinh toàn thân. Phác đồ chung là amoxicillin 500 mg đường uống x 3 lần/ngày, uống trong 10 ngày. Ngoài ra, gel có doxycycline hoặc các vi cầu chứa minocycline có thể được đặt vào các túi lợi đơn lẻ và khó chữa. Những loại thuốc trên sẽ tiêu hết trong vòng 2 tuần.

Điều trị phẫu thuật (đối với viêm nha chu tiến triển):

Phẫu thuật tạo vạt (phẫu thuật thu nhỏ túi nướu): Nướu sẽ được rách những đường nhỏ để lộ phần chân răng giúp cho việc cạo vôi và bào láng chân răng được hiệu quả hơn. Vì viêm nha chu có thể gây tiêu xương, phần xương bên dưới có thể được phục hồi trước khi mô nướu được khâu lại đúng vị trí. Sau khi lành, bệnh nhân sẽ dễ dàng làm sạch những khu vực này hơn và duy trì mô nướu khỏe mạnh.

Ghép mô mềm: Khi bệnh nhân bị mất mô nướu, đường viền nướu sẽ bị tụt xuống, do đó bệnh nhân có thể cần được được tăng cường một số mô mềm nướu bị tổn thương. Mô mềm này có thể được lấy từ mô ở vòm miệng hoặc từ mô hiến của người khác, sau đó ghép vào vị trí nướu bị mất. Điều này có thể giúp giảm tiến triển của tình trạng tụt nướu, che phủ các chân răng lộ ra ngoài và tăng tính thẩm mỹ cho răng người bệnh.

Ghép xương: Thủ thuật này được thực hiện khi bệnh viêm nha chu đã phá hủy xương xung quanh chân răng. Bác sĩ nha khoa sẽ lấy mảnh xương nhỏ của chính bệnh nhân hoặc xương từ nguồn tổng hợp hoặc hiến tạng, sau đó ghép vào vị trí bị phá hủy. Mục tiêu của thủ thuật này là giúp ngăn ngừa mất răng bằng cách giữ răng được cổ định và tạo nền tảng cho sự mọc lại của xương tự nhiên.

Đặc biệt viêm nha chu tiến triển nhanh khu trú đòi hỏi phải sử dụng kháng sinh đường uống (ví dụ, amoxicillin 500 mg 4 lần/ngày hoặc metronidazole 250mg 3 lần 1 ngày trong 14 ngày).


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm nha chu

Chế độ sinh hoạt:

  • Đánh răng đúng cách và đều đặn 2 lần/ngày hoặc sau ăn. 

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Chế độ dinh dưỡng:

Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý để tăng sức đề kháng.

Ăn các loại thức ăn có lợi cho lợi.

Phương pháp phòng ngừa viêm nha chu hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

Vệ sinh răng miệng đúng phương pháp: Đánh răng hai lần một ngày hoặc tốt hơn là sau mỗi bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ, sử dụng bàn chải đánh răng mềm và thay bàn chải ít nhất ba tháng một lần. Cân nhắc sử dụng bàn chải đánh răng điện, có thể hiệu quả hơn trong việc loại bỏ mảng bám và cao răng. Dùng các biện pháp cơ học khác để làm sạch bề mặt răng, nhất là vùng khe giữa hai răng như chỉ tơ nha khoa, tăm nước, bàn chải kẽ răng, chất làm sạch kẽ răng…

Sử dụng nước súc miệng để giúp giảm mảng bám giữa các răng, nếu được nha sĩ đề nghị.

Khám răng định kỳ: Nên 6 tháng khám kiểm tra định kỳ để phát hiện sớm các bệnh răng miệng và loại trừ cao răng, mảng bám răng…

Không hút thuốc hoặc nhai thuốc lá.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *