Tìm hiểu chung

Viêm phúc mạc là bệnh gì?

Phúc mạc là một màng mỏng bao phủ bên trong cơ thể và bảo vệ các cơ quan trong ổ bụng; bao bọc các tạng thuộc hệ tiêu hoá (gồm cả bó mạch và thần kinh), che phủ phía trước hay phía trên các tạng thuộc hệ tiết niệu và sinh dục. Viêm phúc mạc là phản ứng viêm toàn bộ hoặc một phần của phúc mạc do vi khuẩn hoặc do hóa chất gây ra. Bệnh nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm phúc mạc

  • Đau bụng;

  • Đầy hơi hay cảm giác no (chướng) ở bụng;

  • Sốt;

  • Buồn nôn và ói mửa;

  • Chán ăn;

  • Tiêu chảy;

  • Lượng nước tiểu thấp;

  • Khát nước mãnh liệt;;

  • Mệt mỏi.

Biến chứng có thể gặp khi bị viêm phúc mạc

Nếu không điều trị kịp thời, viêm phúc mạc có thể mở rộng ra ngoài phúc mạc và gây những biến chứng như :

  • Nhiễm trùng;

  • Nhiễm trùng huyết, là một tình trạng đe dọa tính mạng tiến triển nhanh chóng có thể gây sốc và suy cơ quan.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ lập tức khi bạn xuất hiện các triệu chứng sau đây:

  • Đau bụng;

  • Nhiệt độ cơ thể tăng lên mà không rõ lý do;

  • Buồn nôn và ói mửa;

  • Khát;

  • Lượng nước tiểu giảm hoặc táo bón.

Mỗi người một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến chuyên gia để có phương án điều trị thích hợp. 


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến viêm phúc mạc

  • Do vi khuẩn: Có thể là một hoặc nhiều loại vi khuẩn gây nên. Thường là vi khuẩn ở hệ tiêu hóa.

  • Do các loại dịch: Dịch trong máu, dạ dày, ruột, nước tiểu,… Vì phúc mạc là mang bán thấm và có diện tích lớn tương đương với diện tích của da nên rất dễ hấp thu các chất dịch độc từ những nơi khác.

Ngoài các nguyên nhân chính bên trên, một số bệnh trong cơ thể cũng có thể làm ảnh hưởng và gây viêm phúc mạc, bao gồm:

  • Thủng ổ loét dạ dày.

  • Vỡ ruột thừa.

  • Rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như bệnh viêm túi thừa hoặc bệnh Crohn.

  • Xơ gan.

  • Các thủ thuật y tế như lọc máu bằng màng bụng – một phương pháp điều trị được sử dụng rộng rãi cho những người suy thận.

  • Chấn thương hoặc có vết thương bụng.


Nguy cơ mắc phải

Yếu tố làm tăng nguy cơ viêm phúc mạc

Những yếu tố nguy cơ tăng khả năng mắc bệnh bao gồm:

  • Phẫu thuật vùng bụng.

  • Biến chứng từ các bệnh như xơ gan, viêm ruột thừa, viêm loét dạ dày, viêm túi thừa, viêm tụy, bệnh Crohn.

  • Nếu bạn đã từng bị viêm phúc mạc, nguy cơ tái phát sẽ cao hơn so với người bình thường.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm phúc mạc

Để chẩn đoán viêm phúc mạc, bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử, các triệu chúng bạn đã gặp và thực hiện một số xét nghiệm kiểm tra cần thiết.

Các xét nghiệm chẩn đoán bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Đo lường số lượng tế bào bạch cầu trong máu. Số lượng tế bào bạch cầu cao là dấu hiệu viêm hoặc nhiễm trùng.

  • Phân tích chất dịch phúc mạc: Trích một phần dịch trong màng phúc mạc có thể xác định được loại vi khuẩn khu trú tại đây.

  • Chụp X-quang, CT hoặc MRI: Có thể kiểm tra các lỗ hỏng trong màng bụng.

Phương pháp điều trị viêm phúc mạc hiệu quả

Điều trị bao gồm điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa.

Điều trị nội khoa: Dùng thuốc kháng sinh để chống lại nhiễm trùng và ngăn không cho nó lan rộng. Loại kháng sinh và thời gian sử dụng phụ thuộc vào độ nặng của bệnh và loại viêm phúc mạc;

Điều trị ngoại khoa: Phẫu thuật trong trường hợp viêm phúc mạc tiến triển nặng và xuất hiện những biến chứng như thủng ruột, vỡ ruột thừa,… Phẫu thuật nhằm loại bỏ mô bị nhiễm bệnh, đồng thời điều trị các nguyên nhân gây nhiễm trùng và ngăn ngừa các nhiễm trùng lây lan.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh viêm phúc mạc

  • Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Nếu bạn đang trong tình trạng lọc máu qua màng bụng thì rất dễ bị viêm phúc mạc. Vì vậy bạn cần thực hiện các phương pháp sau để phòng chống viêm phúc mạc xảy ra:

  • Luôn vệ sinh bàn tay sạch sẽ.

  • Làm sạch da xung quanh ống thông với chất khử trùng hàng ngày.

  • Vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh, đặc biệt là những dụng cụ dùng để lọc máu.

  • Nếu đã có viêm phúc mạc tự phát trước đó, hoặc có tích tụ chất dịch phúc mạc do bệnh khác như xơ gan, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để phòng ngừa viêm phúc mạc.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *