Tìm hiểu chung

Viêm tá tràng là gì?

Viêm tá tràng là tình trạng viêm xảy ra ở tá tràng – đoạn đầu của ruột non. Niêm mạc của tá tràng bị viêm có thể gây ra đau bụng, chảy máu và các triệu chứng tiêu hóa khác. Nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm tá tràng là do nhiễm trùng dạ dày kết hợp với một loại vi khuẩn gọi là Helicobacter pylori (H. pylori). Loài vi khuẩn này có thể phá vỡ các chất nhầy bảo vệ niêm mạc tá tràng khỏi các chất axit có trong dạ dày, dẫn đến tình trạng viêm mạn tính và loét tá tràng.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm tá tràng

Các triệu chứng thường gặp của viêm tá tràng bao gồm: bụng đầy hơi, đau bụng, chướng khí, chán ăn, buồn nôn có hoặc không kèm theo nôn.

Các triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể đe dọa đến tính mạng bao gồm: phân có lẫn máu (máu có thể là đỏ, đen hoặc màu hắc ín), đau bụng dữ dội, nôn ra máu. 

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bệnh viêm tá tràng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm mạn tính hoặc loét, chảy máu hành tá tràng… đe dọa tính mạng người bệnh.

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, đặc biệt là các triệu chứng nghiêm trọng, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến viêm tá tràng

Nguyên nhân chủ yếu gây viêm tá tràng là do một loại vi khuẩn gọi là Helicobacter pylori (H. pylori). Khi một lượng lớn vi khuẩn này xâm nhập vào dạ dày hoặc ruột non có thể gây ra viêm. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác gây viêm tá tràng có thể kể đến như:

  • Sử dụng kéo dài một số loại thuốc, chẳng hạn như aspirin, ibuprofen hay naproxen.
  • Bệnh Crohn (viêm đường tiêu hóa).
  • Các bệnh tự miễn khác.
  • Trào ngược dịch mật.
  • Bị nhiễm virus nhất định, chẳng hạn như virus Herpes dạng đơn, cùng với một hệ thống miễn dịch yếu.
  • Tổn thương ở ruột non.
  • Sử dụng máy trợ thở.
  • Yếu tố tâm lý như căng thẳng cực độ, căng thẳng kéo dài.
  • Ăn các chất ăn da, chất độc.
  • Hút thuốc lá quá nhiều.
  • Xạ trị, hóa trị ung thư.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm tá tràng?

Có tới 80% người dân ở các nước đang phát triển bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viếm tá tràng, bao gồm:

  • Uống quá nhiều rượu.
  • Tiền sử xạ trị ung thư.
  • Hay căng thẳng.
  • Sử dụng thuốc lá.
  • Thói quen ăn uống không lành mạnh như no đói không đều, ăn tối quá no, ăn nhanh hoặc vừa ăn vừa xem ti vi.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm tá tràng

Bác sĩ sẽ chẩn đoán viêm tá tràng bằng cách khám lâm sàng, xem xét các triệu chứng và tiến hành một số xét nghiệm như: 

  • Xét nghiệm hơi thở: Bạn sẽ được uống một chất lỏng và sau đó thở vào một cái túi, điều này sẽ giúp bác sĩ phát hiện khí carbon dioxide trong hơi thở nếu bạn bị nhiễm H. pylori.
  • Xét nghiệm máu, phân để phát hiện vi khuẩn H. pylori.
  • Nội soi sinh thiết: Dùng một ống dài, mỏng có gắn camera nhỏ rồi đưa xuống cổ họng để nhìn vào dạ dày hoặc ruột non. Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể kiểm tra tình hình tá tràng của bạn và lấy một mẩu nhỏ để nghiên cứu dưới kính hiển vi. Từ đó xác định bạn có bị nhiễm H. pylori hay không.

Phương pháp điều trị viêm tá tràng hiệu quả

Điều trị bằng kháng sinh: Nếu viêm tá tràng là do bị nhiễm H. pylori thì sẽ sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Việc này đòi hỏi phải tuân thủ phác đồ kháng sinh để tránh tái nhiễm hoặc tái phát lại. Thông thường, bác sĩ sẽ kê hai loại thuốc kháng sinh trong 14 ngày. Các thuốc kháng sinh bao gồm amoxicillin, clarithromycin (Biaxin®), metronidazole (Flagyl®), tetracycline.

Điều trị bằng các loại thuốc khác: Các thuốc như thuốc ức chế bơm proton và histamine đối kháng H2 sẽ làm giảm lượng axit trong dạ dày, đây cũng là một cách điều trị hiệu quả cho viêm tá tràng.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm tá tràng

Để hạn chế viêm tá tràng, chủ yếu bạn cần điều chỉnh thói quen ăn uống cho khoa học. Hạn chế ăn đồ cay, đồ uống có tính axit cao, các loại gây kích thích dịch vị dạ dày tiết ra nhiều hơn như: ớt, tiêu, giấm, cà ri, mù tạc, trái cây chua, sữa chua, dưa muối chua, thức ăn lên men (như mắm, tương, chao), thịt nguội chế biến sẵn, đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ.

Thay vào đó, bạn nên dùng thức ăn mềm, ít có tác dụng cơ giới. Ưu tiên các thức ăn tinh bột có tác dụng giảm kích thích tiết dịch vị, trung hòa acid như sữa, gạo nếp, bánh nếp, bánh mì, bánh bột năng, cơm, bánh quy… Các loại chất béo từ cá cũng được khuyên dùng vì cung cấp nhiều acid béo thiết yếu và năng lượng cho cơ thể, thức ăn giàu kẽm (hàu, sò, thịt, cá…) sẽ giúp mau lành vết thương, vitamin A giúp sinh trưởng lớp tế bào biểu mô của niêm mạc dạ dày.

Bên cạnh đó, bạn nên từ bỏ việc hút thuốc lá và hạn chế uống rượu. Khi ăn thì tránh ăn quá no vào buổi tối và tuyệt đối không nên bỏ bữa, những thói quen ăn uống không đều này rất dễ gây những tác động xấu đến đường ruột của bạn.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *