Tìm hiểu chung

Viêm túi mật là gì?

Túi mật là một túi nhỏ nằm dưới gan, chứa mật do gan tạo ra và có nhiệm vụ tiết mật vào ruột khi thức ăn được đưa vào để giúp hòa tan chất béo trong thức ăn.

Viêm túi mật là tình trạng túi mật bị nhiễm trùng. Nguyên nhân chính gây viêm túi mật là do sỏi bị kẹt trong ống dẫn mật từ túi mật đến ruột. Bệnh thường gặp ở những phụ nữ trung niên mãn kinh, người bị béo phì. Nếu không chữa trị kịp thời, viêm túi mật có thể dẫn đến nhiễm trùng và thủng túi mật.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm túi mật

Dấu hiệu điển hình thường gặp của viêm túi mật là gây đau ở vùng bụng bên phải (vị trí của túi mật) và làm ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa. Các triệu chứng thường gặp khác bao gồm:

  • Đau và quặn thắt ở vùng hạ sườn phải;
  • Đau lan lên ngực, lưng, hay vai phải;
  • Đau hơn khi hít vào, di chuyển, hoặc khi đè trên vùng bên phải của phần bụng trên;
  • Ợ hơi, buồn nôn và thường nôn mửa sau bữa ăn chứa nhiều chất béo;
  • Vàng da và vàng mắt;
  • Hạ thân nhiệt;
  • Phân nhạt màu;
  • Ngứa da nếu ống mật chủ bị tắc do sỏi;
  • Sốt và ớn lạnh.

Biến chứng có thể gặp do viêm túi mật

Bệnh không được điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng bao gồm: viêm mủ, áp-xe đường dẫn mật, thủng túi mật, viêm phúc mạc mật. Các biến chứng này có thể gây ra suy tuần hoàn, chảy máu nội tạng gây nguy hiểm đến tính mạng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Viêm túi mật là bệnh ngoại khoa, khi không được điều trị kịp thời thì rất dễ gây biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, khi bạn có những cơn đau quặn mật (dù cơn đau có thể qua đi tự nhiên – do viên sỏi kẹt ở cổ túi mật rồi trượt lại vào trong lòng túi) hoặc nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến viêm túi mật

Sỏi mật là nguyên nhân hàng đầu gây viêm túi mật. Bên cạnh đó còn có những nguyên nhân khác như do rối loạn chức năng của túi mật gây sản sinh hoặc dự trữ quá nhiều mật, bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh do nhiễm khuẩn và tiểu đường.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm túi mật?

Bệnh có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi. Tuy nhiên, người cao tuổi và phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

  • Tuổi trung niên
  • Béo phì
  • Chế độ ăn giàu chất béo
  • Nhịn đói
  • Sụt hoặc tăng cân quá mức
  • Tác dụng phụ từ thuốc đặc trị
  • Đang mang thai.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm túi mật

Bác sĩ chẩn đoán viêm túi mật dựa vào bệnh sử, khám lâm sàng và xem xét các triệu chứng. Bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang, xét nghiệm máu và siêu âm để có kết quả chính xác hơn. Nếu siêu âm cho kết quả không rõ ràng, có thể cần đến một kỹ thuật X-quang đặc biệt chuyên chụp hình gan mật gọi là HIDA.

Phương pháp điều trị viêm túi mật hiệu quả

Để điều trị viêm túi mật hiệu quả thường cần phải cắt bỏ túi mật và loại bỏ sỏi mật. Phương pháp được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là phẫu thuật nội soi. Theo đó, bác sĩ sẽ rạch 4 lỗ nhỏ ở bụng rồi đưa dụng cụ mổ xuyên qua 4 lỗ này để đến khu vực của túi mật và cắt bỏ nó. Đây là phương pháp an toàn, giúp bệnh nhân hồi phục trong thời gian ngắn và có thể xuất viện sớm.

Trong trường hợp tình trạng của bệnh nhân không thể thực hiện phẫu thuật nội soi thì cần phải được mổ hở. Phương pháp này đòi hỏi thời gian nằm viện dài hơn.

Việc cắt bỏ túi mật sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của bạn. Tuy nhiên thỉnh thoảng bạn có thể gặp chứng khó tiêu khi ăn những loại thực phẩm nhiều chất béo trong khoảng 6 – 12 tháng kể từ khi cắt bỏ túi mật. Tình trạng này sẽ bớt dần và tự hết sau đó.

Bên cạnh phương pháp mổ, bác sĩ có cũng có thể chỉ định thuốc làm tan sỏi. tuy nhiên, liệu pháp này lại tốn nhiều thời gian mới có hiệu quả nên hiếm khi được sử dụng


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm túi mật

Các biện pháp kiểm soát bệnh bao gồm:

  • Giảm khẩu phần ăn giàu chất béo, tăng cường chất xơ trong các bữa ăn.
  • Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý thay đổi liều lượng thuốc.
  • Đi tái khám đúng hẹn để theo dõi tình trạng sức khỏe và để kiểm soát biến chứng nếu có.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *