Tìm hiểu chung

Nhiễm sán lá gan là bệnh gì?

Nhiễm sán lá gan là bệnh do ký sinh trùng sán lá gan gây ra, bao gồm bệnh sán lá gan nhỏ (Clonorchiasis, Opisthorchiasis) và bệnh sán lá gan lớn (Fascioliasis).

  • Sán lá gan nhỏ do một loại sán có tên khoa học là Clonorchis sinensis hoặc Opisthorchis viverrini gây nên. Loại sán này thường kí sinh ở ống mật.

  • Sán lá gan lớn có 2 loại tên khoa học là Fasciola hepatica và Fasciola gigantica, thường kí sinh trong các ống mật và gây bệnh chủ yếu về gan ở các động vật như trâu, bò…, ít gặp ở người. Sán lá gan lớn còn có thể di chuyển và kí sinh ở nhiều vị trí khác nhau trong cơ thể của vật chủ như phúc mạc, tĩnh mạch hay dưới lớp biểu bì…


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng khi nhiễm sán lá gan

Các dấu hiệu của nhiễm sán lá gan thường không rõ ràng và còn tùy thuộc vào giai đoạn phát triển và vị trí sán ký sinh, số lượng ấu trùng sán xâm nhập vào cơ thể người.

Các triệu chứng thường gặp khi nhiễm sán lá gan:

  • Mệt mỏi, biếng ăn, gầy sút;

  • Sốt thất thường, có thể sốt cao, rét run hoặc chỉ sốt thoáng qua rồi tự hết, đôi khi sốt kéo dài;

  • Thiếu máu: da xanh, niêm mạc nhợt, gặp ở các trường hợp nhiễm kéo dài đặc biệt ở trẻ em;

  • Đau bụng;

  • Đầy bụng khó tiêu, rối loạn tiêu hoá, buồn nôn.

Ngoài ra người nhiễm sán lá gan cũng có thể gặp phải các triệu chứng dưới đây nếu lượng sán nhiễm phải là quá nhiều hoặc gặp các tác nhân gây biến chứng:

  • Phản ứng viêm: đau nhiều khớp, đau cơ, đỏ da;

  • Ho, khó thở hoặc có ban dị ứng mẩn ngứa ngoài da (biểu hiện nhiễm ký sinh trùng);

  • Tràn dịch màng phổi.

Biến chứng có thể gặp khi nhiễm sán lá gan

Bệnh có thể gây các biến chứng như:

  • Tắc mật;

  • Viêm đường mật;

  • Viêm tụy cấp;

  • Xuất huyết tiêu hoá;

  • Khi tổn thương ở gan đã thành áp-xe thì cũng gây biến chứng như các ổ áp-xe khác: vỡ tràn vào màng phổi, vỡ vào màng bụng, thành bụng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hầu hết những người bị nhiễm sán lá gan hoàn toàn không biết mình đã mắc bệnh vì không có triệu chứng. Vì vậy, khi bạn phát hiện các dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc khi bạn nghi ngờ mình bị nhiễm sán lá gan thì nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm sán lá gan

Sán lá gan là một loại giun dẹt, một con sán trưởng thành đẻ 2.000 – 4.000 trứng mỗi ngày và trứng được thải qua phân của người nhiễm bệnh. Bạn có thể bị lây nhiễm sán lá gan khi ăn phải thịt dê, cừu và gia súc, nhưng trường hợp này hiếm gặp. Con đường lây truyền chính của sán lá gan là qua thực vật, khi bạn ăn phải các loại rau như rau cải xoong, rau diếp nước, bạc hà và mùi tây… không được xử lý và chế biến đúng cách.

Khi ăn phải thức ăn bị nhiễm sán, chúng đi vào cơ thể và sẽ cư trú trong ống mật nhỏ ở gan và túi mật. Sán lá gan có thể tồn tại ở đó từ 20 – 30 năm. Sán gây viêm mạn tính lên đường mật, làm xơ hóa ống mật và giãn ống mật chủ.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ nhiễm sán lá gan?

Bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Trong đó, tỉ lệ nhiễm bệnh ở phụ nữ cao hơn nam giới.

Yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm sán lá gan, bao gồm:

  • Sinh sống ở những nơi có nguồn nước ô nhiễm.
  • Thường ăn rau sống hoặc các nước ngọt chưa được chế biến kỹ, nhất là cá ở nguồn nước bị nhiễm khuẩn.
  • Sống ở khu vực ven sông.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh nhiễm sán lá gan

Chẩn đoán bằng hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ để xem có tình trạng giãn nở của các ống dẫn mật trong gan không rõ nguyên nhân (giãn nở không do tắc nghẽn) hay không. Đây là dấu hiệu đặc trưng của người nhiễm sán lá gan.

Phương pháp điều trị nhiễm sán lá gan hiệu quả

Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, sán lá gan sẽ ít gây nguy hại đến ống dẫn mật và gan; đồng thời cũng dễ dàng hơn trong việc điều trị.

Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc triclabendazole để điều trị sán lá gan và sử dụng thêm thuốc corticosteroid (ngắn hạn) cho các giai đoạn cấp tính với các triệu chứng nghiêm trọng.

Nếu trường hợp sán lá gan gây thiệt hại đến đường mật, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật.

Người mắc bệnh sán lá gan cần phải được theo dõi, điều trị tại các cơ sở y tế có chuyên khoa ký sinh trùng.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh nhiễm sán lá gan

Để phòng ngừa bệnh nhiễm sán lá gan:

  • Không ăn gỏi cá và các loại thực phẩm chế biến từ cua, cá nấu chưa chín.

  • Không nên ăn thịt dê, cừu va gia súc khi chưa được nấu chín.

  • Những địa phương có lưu hành bệnh cần có các biện pháp quản lý cũng như tuyên truyền cho cộng đồng từ việc nuôi cá (như không thả phân tươi xuống ao) đến việc chế biến các loại thực phẩm từ cá.

  • Cần thực hiện việc ăn chín uống sôi. Nếu ăn sống, thực phẩm cần phải được rửa sạch và ngâm trong dung dịch axit axetic 6% trong 5 đến 10 phút.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *