Tìm hiểu chung

Nhồi máu não là gì?

Nhồi máu não là tình trạng dòng máu đột ngột không lưu thông đến một khu vực của não do huyết khối hoặc cục tắc ở động mạch làm mất chức năng thần kinh tương ứng.

Hệ thống phân loại nhồi máu não được phân loại thành 3 thể chính như sau (theo Thử nghiệm đa trung tâm điều trị đột quỵ cấp – TOAST):

  • Nhồi máu não động mạch lớn.
  • Nhồi máu ổ khuyết (lacunar).
  • Nhồi máu do cục tắc di chuyển từ tim lên não.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của nhồi máu não

Tùy vào phần não bị ảnh hưởng sẽ có các triệu chứng và dấu khác nhau. Hình thái tổn thương thần kinh thường gợi ý động mạch bị ảnh hưởng, nhưng sự tương quan thường không như thực tế.

Thiếu máu có thể đạt mức tối đa trong vài phút sau khởi phát, điển hình là trong đột quỵ do tắc mạch. Ít gặp hơn, thiếu máu tiến triển chậm, thường là từ 24 đến 48 giờ (gọi là đột quỵ tiến triển), điển hình là đột quỵ do huyết khối xơ vữa động mạch.

Trong hầu hết các trường hợp nhồi máu não tiến triển, sẽ xuất hiện các rối loạn chức năng thần kinh một bên (thường bắt đầu ở một tay, sau đó lan rộng ra cùng bên) mà không gây nhức đầu, sốt hoặc đau.

Đột quỵ tắc mạch thường xảy ra vào ban ngày; đau đầu có thể là dấu hiệu báo trước tình trạng thiếu máu não. Huyết khối có xu hướng xảy ra vào ban đêm và do đó thường được phát hiện khi thức dậy.

Nhồi máu ổ khuyết thường gây ra một hay nhiều tình trạng trong những hội chứng ổ khuyết kinh điển:

  • Yếu vận động đơn thuần nửa người.
  • Liệt cảm giác nửa người.
  • Yếu nửa người thất điều.
  • Hội chứng loạn vận ngôn – hội chứng bàn tay vụng.

Không có các dấu hiệu rối loạn chức năng vỏ não (ví dụ, mất ngôn ngữ). Nhồi máu ổ khuyết đa ổ có thể gây ra sa sút trí tuệ do nhồi máu não đa ổ.

Khởi phát đột quỵ có thể gây ra cơn động kinh, thường gặp trong tắc mạch hơn là huyết khối. Động kinh cũng có thể xảy ra nhiều tháng hoặc nhiều năm sau; cơn co giật muộn xảy ra do sẹo hoặc ở vị trí thiếu máu cục bộ có sự lắng đọng hemosiderin.

Suy nhược trong vòng 48 đến 72 giờ đầu sau khởi phát triệu chứng, đặc biệt là suy giảm ý thức dần dần, do phù não hơn là nhồi máu lan rộng. Chức năng thường cải thiện trong vài ngày đầu (trừ trường hợp nhồi máu lớn hoặc lan rộng); sự cải thiện tiếp theo diễn ra từ từ cho đến 1 năm.

Tác động của bệnh nhồi máu não đối với sức khỏe

Một số nơ-ron thần kinh chết khi tưới máu là < 5% so với bình thường trong thời gian > 5 phút; tuy nhiên, mức độ tổn thương phụ thuộc vào mức độ thiếu máu não.

Nếu ở mức nhẹ, tổn thương sẽ tiến triển chậm; khi lượng máu tưới là 40% so với bình thường nhưng nếu để từ 3 đến 6 giờ vẫn có thể khiến mô não bị hoại tử hoàn toàn.

Tuy nhiên, nếu thiếu máu não cục bộ mức độ nặng kéo dài khoảng 15 – 30 phút, tất cả các mô bị ảnh hưởng sẽ chết (nhồi máu). Việc tăng thân nhiệt sẽ làm tổn thương tiến triển nhanh.

Có thể làm giảm hoặc phục hồi tổn thương ở những mô bị thiếu máu cục bộ nhẹ, chưa đến mức không thể phục hồi bằng cách nhanh chóng khôi phục lưu lượng máu. Việc khôi phục lượng máu kịp thời có thể cứu các vùng thiếu máu trung bình (vùng tranh tối tranh sáng) thường bao quanh các vùng thiếu máu nặng.

Cơ chế thương tổn do thiếu máu não:

  • Phù;
  • Huyết khối vi mạch;
  • Chết tế bào theo chương trình (apoptosis);
  • Hoại tử tế bào.

Các chất trung gian gây viêm (ví dụ, IL-1B, yếu tố hoại tử khối u TNF-alpha) góp phần gây phù mạch và huyết khối vi mạch. Phù nặng hoặc lan rộng có thể làm tăng áp lực nội sọ.

Nhiều yếu tố có thể góp phần gây chết tế bào; chúng bao gồm mất dự trữ ATP, mất cân bằng ion (bao gồm sự tích tụ calci nội bào), tổn thương màng tế bào vì oxy hóa lipid bởi các gốc tự do, các chất kích thích thần kinh (như glutamate) và nhiễm toan nội bào do tích tụ lactate.

Biến chứng có thể gặp khi bị nhồi máu não

Sau nhồi máu não, khoảng 20% bệnh nhân tử vong ở bệnh viện; tỷ lệ tử vong tăng theo tuổi.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến nhồi máu não

Các nguyên nhân phổ biến nhất của nhồi máu não có thể được phân loại là:

  • Nhồi máu não không rõ nguồn gốc (tức là không có nguồn tim mạch, lacunar hoặc xơ vữa động mạch rõ ràng; phân loại phổ biến nhất).
  • Nhồi máu do cục tắc di chuyển từ tim lên não.
  • Đột quỵ ổ khuyết.
  • Nhồi máu não động mạch lớn (nguyên nhân phổ biến thứ 4).

Nhồi máu do cục tắc di chuyển từ tim lên não

Cục tắc từ tim hay gặp trong các bệnh:

  • Bệnh van tim.
  • Nhồi máu cơ tim, bệnh cơ tim giãn, suy tim sung huyết nặng, rung nhĩ.
  • Khối u lành tính trong tâm nhĩ trái.

Nhồi máu do tắc động mạch lớn

Do vỡ xơ vữa động mạch.

Do huyết khối từ tim: Rung nhĩ, hẹp van hai lá.

Đột quỵ ổ khuyết

Đột quỵ ổ khuyết chiếm 13 – 20% bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não. Đột quỵ ổ khuyết thường liên quan đến bệnh cao huyết áp.

Nguyên nhân thường gặp:

  • Mảnh vữa xơ nhỏ (microatheroma).
  • Nhiễm lipohyalin.
  • Biến chứng hoại tử dạng fibrin thứ phát (sau cơn tăng huyết áp hoặc viêm mạch).
  • Vữa xơ động mạch hyaline.
  • Bệnh mạch amyloid.
  • Bệnh lý mạch máu khác.

Đột quỵ do huyết khối

Do các mảng xơ vữa trong động mạch bị nứt vỡ: Sự tổn thương và mất các tế bào nội mô, lộ ra lớp dưới nội mạc làm hoạt hóa tiểu cầu và các yếu tố đông máu, ức chế tiêu sợi huyết (phản ứng cầm máu).

Hẹp động mạch làm tăng tốc độ dòng máu chảy, tiểu cầu dễ kết dính làm hình thành cục máu đông.

Các bệnh nhân cần lưu ý:

  • Các bệnh lý tăng đông (có thai, thiếu protein C, thiếu protein S, kháng thể kháng phospholipid).
  • Bệnh hồng cầu hình liềm.
  • Loạn sản xơ cơ.
  • Lóc tách động mạch.
  • Co mạch do các chất kích thích (amphetamine, cocaine).

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải nhồi máu não

Mọi lứa tuổi đều có nguy cơ đột quỵ, tuy nhiên nguy cơ này cao hơn ở những người trên 65 tuổi, đồng mắc các bệnh như tăng huyết áp, béo phì, tăng lipid máu, đái tháo đường và/ hoặc hút thuốc lá thường xuyên.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải nhồi máu não

Các yếu tố không thay đổi:

  • Tuổi.
  • Chủng tộc.
  • Giới tính.
  • Tiền sử đau nửa đầu migrain.
  • Loạn sản xơ cơ.
  • Di truyền.

Các yếu tố có thể thay đổi:

  • Tăng huyết áp (quan trọng nhất).
  • Đái tháo đường.
  • Bệnh tim: Suy tim, hẹp van hai lá, bệnh tim bẩm sinh có luồng thông trái – phải (ví dụ lỗ bầu dục thông), bệnh van tim, giãn tâm nhĩ và tâm thất, rung nhĩ.
  • Rối loạn lipid máu.
  • Thiếu máu não thoáng qua (TIAs).
  • Hẹp động mạch cảnh.
  • Tăng homocystine máu.
  • Các vấn đề về lối sống: Hút thuốc lá, uống rượu bia quá mức, sử dụng ma túy, ít hoạt động thể lực.
  • Béo phì.
  • Dùng hormone hoặc thuốc tránh thai sau mãn kinh.
  • Bệnh hồng cầu hình liềm.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhồi máu não

  • Đánh giá chủ yếu về mặt lâm sàng.
  • Chẩn đoán hình ảnh thần kinh và xét nghiệm đường máu tại giường.
  • Đánh giá xác định nguyên nhân.

Chẩn đoán đột quỵ do thiếu máu cục bộ được gợi ý bởi những dấu hiệu thần kinh thiếu hụt máu lên não đột ngột có thể liên quan đến một vùng động mạch cụ thể. Phải phân biệt đột quỵ do thiếu máu cục bộ  với các nguyên nhân khác cũng có thể gây ra triệu chứng tương tự (đôi khi được gọi là giả đột quỵ), chẳng hạn như:

  • Hạ đường huyết.
  • Liệt Todd sau cơn co giật (là tình trạng thiếu hụt thần kinh thoáng qua, thường là yếu, của chi đối bên với tổn thương gây cơn co giật).
  • Đột quỵ xuất huyết não.
  • Hiếm gặp là đau nửa đầu migraine.

Nhức đầu, hôn mê hoặc tê liệt và nôn mửa có nhiều khả năng bị đột quỵ xuất huyết não.

Đánh giá đột quỵ do thiếu máu cục bộ cần đánh giá nhu mô não, hệ thống mạch máu (bao gồm tim và các động mạch lớn), và máu.

Phân biệt giữa các thể đột quỵ bằng lâm sàng là không chính xác; tuy nhiên, một số gợi ý dựa trên kiểu thiếu sót thần kinh, sự tiến triển của triệu chứng và thời gian khởi phát có thể giúp ích.

Mặc dù chẩn đoán là lâm sàng, kiểm tra thần kinh và kiểm tra glucose tại giường là bắt buộc. Việc phân biệt giữa đột quỵ do tắc mạch và huyết khối dựa trên tiền sử bệnh, thăm khám và hình ảnh thần kinh không phải lúc nào cũng đáng tin cậy, vì vậy các xét nghiệm để xác định các nguyên nhân thường gặp hoặc điều trị được và các yếu tố nguy cơ của tất cả các thể đột quỵ này cần được làm thường xuyên. Bệnh nhân nên được đánh giá về các nhóm nguyên nhân và yếu tố nguy cơ sau:

  • Tim mạch (ví dụ, rung tâm nhĩ, các bệnh lý cấu trúc tiềm tàng khả năng tạo cục máu đông gây tắc mạch).
  • Mạch máu (ví dụ, hẹp động mạch nặng).
  • Máu (ví dụ, tăng đông máu).

Có một số trường hợp đột quỵ không xác định được nguyên nhân gọi là đột quỵ vô căn.

Đánh giá não bộ

Hình ảnh thần kinh bằng CT hoặc MRI được thực hiện trước tiên để loại trừ xuất huyết trong não, tụ máu dưới màng cứng hoặc ngoài màng cứng và khối u phát triển nhanh, đang chảy máu hoặc đột ngột có triệu chứng. Trong vài giờ đầu tiên, có thể khó phát hiện đột quỵ do thiếu máu cục bộ tuần hoàn trước lớn bằng hình ảnh CT; những thay đổi có thể bao gồm mờ rãnh tiểu não hoặc dải vỏ não, mất đường tiếp giáp màu trắng xám giữa vỏ não và chất trắng, và dấu hiệu động mạch não giữa dày đặc. Trong vòng 6 – 12 giờ từ khi xảy ra thiếu máu cục bộ, bắt đầu có thể nhìn thấy được các ổ nhồi máu có kích thước trung bình đến lớn với mật độ thưa thớt; các ổ nhồi máu nhỏ (ví dụ, nhồi máu lỗ khuyết) chỉ có thể phát hiện khi chụp MRI.

Có thể chụp MRI khuếch tán (có độ nhạy cao đối với thiếu máu cục bộ sớm) ngay sau khi chụp CT thần kinh.

Phương pháp điều trị nhồi máu não

Đánh giá tình trạng hô hấp, tuần hoàn của bệnh nhân

  • Đánh giá đường thở, hô hấp và tuần hoàn theo các bước ABC (A: Airway, B: Breathing, C: Circulation).
  • Ổn định tình trạng người bệnh.
  • Chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm cận lâm sàng càng nhanh càng tốt (thường không quá 60 phút) sau khi tiếp nhận bệnh nhân và hoàn thành đánh giá ban đầu.

Bổ sung oxy

Chỉ định thở oxy qua sonde mũi với cung lượng thấp khoảng 2 l/phút khi bệnh nhân khó thở, da niêm mạc xanh tái, tím hoặc độ bão hòa oxy SaO2 < 95.

Kiểm soát đường máu

Thực hiện ngay việc xét nghiệm đường máu mao mạch tại giường khi tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu.

Có thể tiêm truyền tĩnh mạch 50ml glucose ưu trương nếu nghi ngờ bệnh nhân hạ đường huyết (khi chưa có kết quả xét nghiệm).

Kiểm soát huyết áp

Nếu bệnh nhân có tăng huyết áp sau 72 giờ kể từ khi phát hiện đột quỵ

Nếu bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết:

  • Huyết áp tâm thu < 185 mmHg và huyết áp tâm trương < 110 mmHg trước khi dùng thuốc tiêu sợi huyết.
  • Duy trì huyết áp dưới 180/105 mmHg trong 24 giờ đầu tiên sau khi điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết.

Nếu bệnh nhân không được chỉ định điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết:

  • Nếu huyết áp ≤ 220/110 mmHg: Bắt đầu hoặc tái điều trị trong 48 – 72 giờ hoặc sau khi triệu chứng trên thân fkinh đã ổn định.
  • Nếu huyết áp > 220/110 mmHg: cố gắng giảm 15% giá trị huyết áp trong 24giờ đầu tiên.

Nếu bệnh nhân bị hạ huyết áp (huyết áp tâm thu < 90 mmHg hoặc thấp hơn 30 mmHg so với huyết áp nền)

Nếu bệnh nhân mất nước, thiếu dịch cần truyền dung dịch đẳng trương theo áp lực tĩnh mạch trung tâm.

Khi đã đủ khối lượng tuần hoàn nhưng huyết áp vẫn chưa tăng thì dùng các thuốc vận mạch như dobutamin và/hoặc noradrenalin.

Tái tưới máu bằng thuốc tiêu sợi huyết và/hoặc tái tưới máu bằng dụng cụ trong lòng mạch

Tái tưới máu bẳng thuốc tiêu sợi huyết

Thuốc tiêu sợi huyết duy nhất đã được chứng minh là có lợi cho những bệnh nhân nhồi máu não cấp là alteplase (rt-PA).

Alteplase giúp phục hồi lưu lượng máu não, có thể cải thiện hoặc giải quyết các khiếm khuyết thần kinh. Tuy nhiên, thuốc cũng có thể gây xuất huyết nội sọ, xuất huyết ngoại sọ và phù mạch hoặc dị ứng.

Tiêu chuẩn lựa chọn bệnh nhân:

Để được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, bệnh nhân phải đáp ứng các tiêu chí sau (theo AHA/ASA):

  • Chẩn đoán xác định nguyên nhân các triệu chứng và dấu hiệu thần kinh khu trú là do nhồi máu não.
  • Khởi phát triệu chứng từ 4,5 giờ trở xuống trước khi bắt đầu điều trị; nếu xác định được chính xác thì đó là thời gian bình thường cuối cùng của bệnh nhân tính đến thời điểm bắt đầu điều trị.
  • Dấu hiệu thần kinh rõ ràng.
  • Dấu hiệu thần kinh không kín đáo và riêng rẽ.
  • Các dấu hiệu, triệu chứng không gợi ý xuất huyết dưới màng nhện.
  • Trong 3 tháng gần nhất không có đột quỵ hoặc chấn thương đầu.
  • Trong 3 tháng gần nhất không bị nhồi máu cơ tim.
  • Trong 21 ngày gần nhất không xuất huyết tiêu hóa và sinh dục.
  • Trong 7 ngày gần nhất không có tổn thương động mạch tại vị trí không ép cầm máu được.
  • Trong 14 ngày gần nhất không trải qua đại phẫu.
  • Không có tiền sử xuất huyết nội sọ.
  • HATT < 185 mmHg, HATTr < 110 mmHg.
  • Không có bằng chứng chảy máu cấp tính hoặc chấn thương cấp tính.
  • Không dùng thuốc chống đông đường uống, nhưng nếu uống thì INR phải < 1,7.
  • Thời gian hoạt hóa prothrombin (aPT) phải bình thường nếu dùng heparin trong vòng 48 giờ.
  • Số lượng tiểu cầu > 100.000 / L.
  • Đường huyết trên 2,7 mmol/L (> 50 mg/dL).
  • CT scan không nhận thấy dấu hiệu nhồi máu não diện rộng (giảm tỷ trọng trên 1/3 bán cầu) hoặc chảy máu nội sọ.
  • Bệnh nhân và gia đình đồng ý điều trị sau khi bác sĩ giải thích về lợi ích và những rủi ro tiềm tàng của thuốc.

Thận trọng khi chỉ định thuốc tiêu sợi huyết cho bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc chống kết tập tiểu cầu do tăng nguy cơ xuất huyết nội sọ.

Siêu âm xuyên sọ có thể hỗ trợ tiêu sợi huyết rt-PA trong điều trị đột quỵ thiếu máu não cấp tính.

Loại bỏ huyết khối bằng dụng cụ

Kỹ thuật lấy huyết khối cơ học là phương pháp điều trị cơ bản kết hợp với thuốc tiêu sợi huyết tĩnh mạch (với cửa sổ 4,5 giờ và không có chống chỉ định rt-PA) hoặc đơn trị liệu khi bệnh nhân tới cơ sở y tế ngoài cửa sổ 4,5 giờ sau khi nhồi máu não do tắc mạch lớn.

Về lý thuyết, kỹ thuật lấy huyết khối cơ học ít gây ra các nguy cơ chảy máu hơn trong và sau khi tái tưới máu so với dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.

Những bệnh nhân sau cơn đột quỵ từ 6 đến 16 giờ, có cục máu đông lớn ở một trong những mạch lớn ở nền não và đáp ứng các tiêu chí của Hội tim mạch và đột quỵ Hoa Kỳ năm 2018, 2019 có thể được thực hiện phẫu thật loại bỏ huyết khối:

  • Thang điểm Rankin sửa đổi (mRS) từ 0 – 1;
  • Tắc động mạch cảnh trong hay động mạch não giữa (đoạn M1);
  • Tuổi trên 18 tuổi;
  • Điểm đột quỵ NIHSS ≥ 6.
  • Thang CT sớm của chương trình đột quỵ Alberta ≥ 6.

Điều trị kết hợp với thuốc kháng kết tập tiểu cầu

AHA/ASA khuyến cáo uống aspirin 81 – 325 mg trong vòng 24 – 48h kể từ khi bắt đầu nhồi máu não để giảm nhồi máu não tái phát.

Kiểm soát thân nhiệt

Nếu sốt > 38°C thì dùng paracetamol (đường uống hoặc viên đặt hậu môn). Nếu bệnh nhân không uống được hoặc không có paracetamol đặt trực tràng thì dùng paracetamol truyền tĩnh mạch.

Chống phù não

Hiếm khi có phù não đáng kể sau nhồi máu não (10 – 20%) và thường xảy ra vào khoảng 72 – 96 giờ sau khi khởi phát nhồi máu não.

Các phương pháp làm giảm phù não:

  • Truyền dung dịch manitol ngắt quãng
  • Ở bệnh nhân bị nhồi máu lớn có phù não đe dọa tính mạng phải phẫu thuật mở sợ giảm áp.

Chống động kinh

Có 2 – 23% bệnh nhân bị động kinh trong những ngày đầu tiên sau nhồi máu não, thường là động kinh cục bộ, nhưng cũng có thể là những cơn toàn thể.

Mặc dù không có chỉ định điều trị dự phòng tiên phát cơn động kinh sau đột quỵ, nhưng nên nên dùng thuốc chống động kinh để ngăn ngừa các cơn động kinh tiếp theo.

Một phần nhỏ bệnh nhân bị động kinh mạn tính sau khi nhồi máu não. Động kinh thứ phát sau nhồi máu não được điều trị tương tự như do tổn thương thần kinh.

Thuốc chống đông máu và dự phòng huyết khối

Nếu bệnh nhân bị nhồi máu não do thuyên tắc (ví dụ rung nhĩ) có thể được điều trị thuốc chống đông máu nhưng cần cân nhắc trước nguy cơ xuất huyết chuyển dạng.

Trường hợp bệnh nhân có chức năng thận bình thường, dùng enoxaparin với liều điều trị 1 mg/kg/12h. Liều enoxaparin dự phòng huyết khối tĩnh mạch chi dưới là 40 mg/24h.

Trong 3 ngày đầu nằm viện nên xoa bóp chi dưới để giảm được nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu ở bệnh nhân nằm lâu do nhồi máu não cấp tính.

Bảo vệ tế bào thần kinh

Sau cơn đột quỵ, các tế bào thần kinh ở vùng não thiếu máu tăng phóng thích các chất dẫn truyền dẫn đến càng nhiều tế bào bị hoại tử, thuốc bảo vệ thần kinh ức chế tình trạng này, tăng cường khả năng sống sót của tế bào. Tuy nhiên hiện tại chưa có nghiên cứu có độ tin cậy cao chứng minh tác dụng này.

Việc hạ thân nhiệt rất cần thiết khi điều trị bệnh nhân sống sót sau ngừng tim do rung thất hoặc nhịp nhanh thất. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu lâm sàng nào chứng minh vai trò của hạ thân nhiệt trong điều trị sớm nhồi máu não.

Theo dõi

Chú ý trong quá trình theo dõi và điều trị, tình trạng bệnh nhân có thể nặng lên với những biểu hiện suy giảm nhanh chóng chức năng thần kinh hoặc giảm đột ngột hô hấp, tuần hoàn.

Bác sĩ cần đánh giá bệnh nhân từng bước theo quy tắc ABC và hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn. Nên chỉ định chụp cắt lớp hoặc chụp MRI để đánh giá tiến triển của ổ nhồi máu cũng như phù não có thể xảy ra, nếu có thể.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nhồi máu não

Chế độ sinh hoạt:

  • Vận động thể lực: Luyện tập đều đặn hàng ngày, đi bộ hoặc chạy bộ nhẹ ngàng mỗi ngày khoảng 30 phút. Tập dưỡng sinh như thái cực trường sinh đạo, thái cực quyền hay yoga. Không tập các bài tập nặng và gắng sức như tập tạ, tập thể hình, tennis.
  • Dùng acid folic ít nhất 300 mcg/ngày sẽ làm giảm 20% nguy cơ đột quy.
  • Bỏ hút thuốc lá.
  • Rượu: Uống vừa phải 20 – 30 ml/ngày với loại có nồng độ cồn < 12%. Nên uống rượu vang vì chứa nhiều resveratrol có tác dụng bảo vệ tim mạch, bảo vệ gan và chống ung thư (da, ruột già, máu).
  • Giảm stress: Lạc quan, tránh nóng giận đột ngột.
  • Giảm cân: ăn bữa sáng đầy đủ chất, trưa ăn vừa phải, và tối ăn ít đi. Không để quá đói hoặc quá no. Tránh uống nước ngọt và bánh kẹo. BMI khoảng 18 – 23 là lý tưởng. Vòng bụng < 90 cm ở nam và < 80 cm ở nữ.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Theo các chuyên gia dinh dưỡng nên có chế độ ăn uống có ít nhất ba phần tinh bột mỗi ngày và sáu phần rau xanh và hai phần trái cây mỗi tuần, khuyến khích sử dụng thường xuyên các loại rau, cá, thịt gia cầm, đậu và các loại hạt khác, hạn chế ăn thịt đỏ, thức ăn nhanh, phô mai, bơ.

Phương pháp phòng ngừa nhồi máu não hiệu quả

  • Bệnh nhân bị cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) hoặc đột quỵ nên kiểm tra hội chứng ngưng thở khi ngủ, bệnh đái tháo đường và béo phì.
  • Theo dõi lâu dài để xác định cơn rung nhĩ ở bệnh nhân bị đột quỵ không rõ nguyên nhân.
  • Với bệnh nhân rung nhĩ không do bệnh van tim phải dùng thuốc chống đông kháng vitamin K thì nên thay thế bằng các thuốc chống đông đường uống mới như dabigatran, apixaban, rivaroxaban nếu có đủ điều kiện.
  • Điều trị kháng tiểu cầu kép (aspirin và clopidogrel) an toàn và hiệu quả trong việc giảm tái phát đột quỵ và các biến cố mạch máu khác (nhồi máu cơ tim, TIA, hội chứng mạch vành cấp) ở những bệnh nhân bị nhồi mái não cấp hoặc TIA và không làm tăng biến cố chảy máu nặng.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *