Tìm hiểu chung

Parkinson thứ phát là bệnh gì?

Bệnh Parkinson thứ phát là hội chứng có biểu hiện Parkinson nhưng nguyên nhân do một số loại thuốc, rối loạn thần kinh hoặc một số bệnh lý khác gây ra. Bệnh phổ biến ở người cao tuổi, gây rối loạn thần kinh vận động khiến cơ thể vận động cơ không chủ ý.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của Parkinson thứ phát

Về cơ bản, Parkinson thứ phát cũng có các biểu hiện giống như Parkinson. Bệnh nhân thường có các triệu chứng:

  • Run khi nghỉ ngơi;
  • Cứng khớp;
  • Di chuyển chậm chạp;
  • Cứng cơ khiến giảm biểu cảm trên mặt, khó khăn khi điều khiển cử động, tư thế không vững;
  • Giảm trí nhớ cũng thường gặp phải ở bệnh nhân Parkinson thứ cấp.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bệnh nhân có các biểu hiện bệnh lý khác thường như trên thì nên được đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán nguyên nhân để từ đó có biện pháp điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến bệnh Parkinson thứ phát

Bệnh xảy ra khi một nhóm tế bào thần kinh trong não bị thoái hóa khiến thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh Dopamine giúp kiểm soát vận động cơ bắp, dẫn đến hậu quả là rối loạn vận động cơ. Các nguyên nhân chủ yếu gồm:

  • Viêm não, viêm màng não, nhiễm khuẩn nội sọ, đột quỵ não, chấn thương sọ não.
  • Thuốc làm hạ thấp nồng độ dopamin như: Thuốc chống loạn thần (lithium, haloperidol, Chlorpromazine, Depakine), thuốc hạ áp (resecpin, aldomet), chống nôn (metoclopramide), thuốc chống trầm cảm,….
  • Bệnh toàn thân ảnh hưởng não: Giáp trạng, cận giáp trạng, xơ gan, bệnh cận ung thư.
  • Do ngộ độc thủy ngân và các hóa chất khác như: Lưu huỳnh, Cyanide, methanol, cồn,…
  • Sử dụng quá liều ma tuý.

Nếu bệnh nhân mắc bệnh do tổn thương não liên quan đến sử dụng ma túy, nhiễm trùng hay độc tố… thì cơ thể sẽ không thể tự hồi phục dù cho đã ngừng sử dụng tác nhân gây bệnh.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị Parkinson thứ phát?

Mọi lứa tuổi đều có khả năng bị Parkinson thứ phát nếu có liên hệ với các nguyên nhân gây bệnh.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Parkinson thứ phát, bao gồm:

  • Môi trường sống không lành mạnh, nhiều độc tố như thuốc trừ sâu, carbon monoxide, xyanua…
  • Chấn thương não nhiều lần.
  • Có khối u não.
  • Thiếu oxy não.
  • Rối loạn chuyển hóa như hạ canxi.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh Parkinson thứ phát

Các bác sĩ có thể chẩn đoán Parkinson thứ phát bằng cách kiểm tra bệnh sử và kiểm tra lâm sàng.

Chẩn đoán ở giai đoạn sớm: Có biểu hiện run giật, cứng khớp, di chuyển chậm chạp. Cần tiến hành kiểm tra chức năng vận động, khứu giác và tâm thần để chẩn đoán chính xác hơn.

Chẩn đoán ở giai đoạn muộn: Các triệu chứng điển hình và khó nhầm lẫn.

Có thể kiểm tra thêm bằng hình ảnh như chụp CT hoặc MRI.

Phương pháp điều trị Parkinson thứ phát hiệu quả

Hội chứng Parkinson do thuốc: Các triệu chứng sẽ thuyên giảm khi thay đổi hoặc ngưng thuốc đang điều trị, tuy nhiên cần cân nhắc lợi ích của thuốc với mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Nếu triệu chứng do Parkinson thứ phát gây ra nặng hơn cả tác dụng của thuốc đang dùng thì bạn hãy ngừng hoặc thay đổi thuốc .

Hội chứng Parkinson do tổn thương não: Điều trị tốt tình trạng đột quỵ hoặc nhiễm trùng có thể làm giảm bớt các triệu chứng. Nếu điều trị ngoại khoa không đem lại hiệu quả cao thì việc dùng thuốc có thể được áp dụng; mặc dù Parkinson thứ phát thường đáp ứng kém với thuốc so với bệnh Parkinson.

Tùy vào thể trạng và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh Parkinson thứ phát

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Nếu nguyên nhân gây bệnh là do dùng thuốc, bạn chỉ nên ngừng hoặc thay đổi loại thuốc đang uống khi có sự cho phép của bác sĩ chuyên khoa.
  • Cai ma túy nếu đó là nguyên nhân gây bệnh.
  • Luyện tập thể dục thường xuyên có thể cải thiện tính linh hoạt của các cơ, các khớp và giúp bạn giảm stress.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Cần có chế độ ăn đầy đủ chất, không để bệnh nhân tăng quá cân.
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ.
  • Uống đủ nước.
  • Ăn thức ăn mềm và dễ tiêu, chia nhỏ bữa ăn.

Những phương pháp phòng bệnh hiệu quả

  • Có chế độ ăn uống lành mạnh, không bỏ bữa.
  • Thường xuyên vận động.
  • Giữ môi trường sống tốt, tránh các chất độc tố như: thuốc trừ sâu, diệt cỏ,…

** Lưu ý: Nếu Parkinson thứ phát được xác định là gây ra bởi thuốc, bệnh có thể thuyên giảm sau khi thay đổi hoặc ngưng sử dụng. Nếu bệnh do các nguyên nhân như dùng ma túy, do độc tố hoặc viêm nhiễm gây nên thì bệnh thường diễn tiến xấu đi. Vì vậy, để phòng bệnh, tốt nhất bạn nên hạn chế các nguy cơ gây bệnh.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *