Tìm hiểu chung
Viêm ruột thừa cấp là gì?
Ruột thừa là một đoạn dài từ 1 – 20 cm hoặc hơn, nhưng trung bình 8 – 10 cm và đường kính trung bình là 4 – 5 mm. Một đầu của ruột thừa bám dính và thông với phần đầu của ruột già (hay còn gọi là manh tràng), còn đầu còn lại thì bịt kín.
Viêm ruột thừa cấp là tình trạng viêm cấp tính của ruột thừa. Đây là một cấp cứu bụng ngoại khoa rất phổ biến và thường phải mổ. Do bệnh cảnh của viêm ruột thừa cấp rất đa dạng và biến chứng khó lường, nên khi phát hiện cần điều trị sớm. Kéo dài càng lâu thì sẽ càng tăng nguy cơ biến chứng và tỉ lệ tử vong càng cao.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm ruột thừa cấp
Các dấu hiệu thường gặp khi bị viêm ruột thừa bao gồm:
- Đau bụng ở vùng thượng vị, quanh rốn sau đó cơn đau di chuyển xuống vùng bụng phía dưới bên phải (hố chậu phải);
- Cơn đau dữ dội và liên tục trong vài giờ. Đau hơn khi xoay, thở mạnh, ho, hắt hơi, đi lại hoặc bị đụng vào;
- Táo bón và khó xì hơi, nhưng đôi khi lại có thể bị tiêu chảy;
- Sốt cao kèm lạnh run có xảy ra nếu có nhiễm trùng;
- Nhịp tim nhanh;
- Buồn nôn hoặc nôn;
- Đột ngột hết đau bụng sau khi xuất hiện các triệu chứng liên quan ruột thừa vỡ mủ, đây là tình trạng cần được cấp cứu;
- Chán ăn;
- Lưỡi dơ, hơi thở hôi;
- Tiểu đau hoặc tiểu thường xuyên;
- Tiểu ra máu;
- Bụng chướng hơi nổi phồng lên (đặc biệt ở trẻ nhỏ).
Biến chứng có thể gặp do viêm ruột thừa cấp
Nếu không được điều trị kịp thời, ruột thừa bị viêm có thể hình thành ổ áp-xe hoặc có thể bị vỡ làm cho phân tràn vào ổ bụng gây nên tình trạng viêm phúc mạc đe dọa đến tính mạng.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Đối với viêm ruột thừa cấp tính thì việc chẩn đoán và mổ sớm có ý nghĩa rất quan trọng để làm giảm tỷ lệ biến chứng và tránh nguy cơ tử vong. Vì vậy, nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến viêm ruột thừa cấp
Nguyên nhân gây bệnh ruột thừa cấp bao gồm:
- Bị nhiễm vi khuẩn, nhưng điều kiện để vi khuẩn xâm nhập vào ruột thừa thì vẫn chưa rõ.
- Sự rối loạn vận động làm mất trương lực cơ gây ứ đọng phân, từ đó làm tắc nghẽn ruột thừa gây tổn thương niêm mạc ruột, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập phát triển.
- Tăng sản mô lympho có liên quan đến tình trạng viêm và nhiễm trùng như bệnh Crohn, sởi, nhiễm amip, viêm ruột, viêm đường hô hấp và bệnh tăng bạch cầu đơn nhân.
- Hiếm gặp hơn có thể do rau hay quả hạt, do giun đũa.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc phải viêm ruột thừa cấp?
Viêm ruột thừa cấp là bệnh phổ biến và ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, bệnh thường xuất hiện nhiều hơn ở nam giới và độ tuổi thường mắc bệnh là từ 20 – 40 tuổi.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm ruột thừa cấp tính, bao gồm:
- Trong gia đình từng có người bị viêm ruột thừa.
- Tình trạng viêm ruột kéo dài như bệnh Crohn hoặc viêm loét ruột.
- Ăn nhiều thực phẩm chứa carbonhydrate nhưng lại dùng ít chất xơ làm ruột hoạt động chậm lại dễ gây tắc nghẽn.
- Tình trạng ô nhiễm không khí.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm ruột thừa cấp
Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử, khám lâm sàng, xem xét các triệu chứng để loại trừ các bệnh khác. Nếu là phụ nữ mang thai, điểm đau có thể nằm ở vị trí cao hơn. Nếu ruột thừa bị thủng, bụng trở nên cứng và chướng lên.
Đế chẩn đoán chính xác hơn, bác sĩ sẽ thực hiện một vài xét nghiệm, bao gồm:
- Chụp X-quang ổ bụng có thể phát hiện ở áp-xe, thấy sỏi phân ở ruột thừa.
- Chụp barit bằng thụt. Trong ruột thừa bình thường có thể thấy barit khi thụt. Nhưng trường hợp ruột thừa bị viêm gây tắc nghẽn thì barit sẽ không thể qua được. Đây là một cơ sở để chẩn đoán. Tuy nhiên vẫn có 10% trường hợp không xác định được và barit cũng có thể có dù bị viêm ruột thừa.
- Siêu âm có thể cho thấy hình ảnh của ruột thừa với đường kính ngoài lớn hơn 6mm.
Một số xét nghiệm để loại trừ các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự viêm ruột thừa:
- Tổng phân tích nước tiểu để loại trừ nhiễm trùng tiểu và sỏi thận.
- Khám khung chậu ở phụ nữ để loại trừ bệnh lý viêm nhiễm vùng chậu.
- Thử que để loại trừ thai ngoài tử cung.
-
Chụp X-quang phổi có thể loại trừ viêm phổi thùy dưới.
Ngoài các phương pháp phổ biến nêu trên, tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ áp dụng những phương pháp khác nhau để xác định viêm ruột thừa cấp. Với trường hợp không điển hình thì bệnh nhân sẽ được theo dõi sát sao, khám kỹ hơn để phát hiện thêm các triệu chứng kín đáo và khám nhiều lần để so sánh quá trình tiến triển của triệu chứng.
Phương pháp điều trị viêm ruột thừa cấp hiệu quả
Trong vài trường hợp hiếm hoi, bệnh chỉ cần điều trị bằng kháng sinh và truyền dịch mà không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, đại đa số các trường hợp cần phải phẫu thuật. Dựa vào từng trường hợp mà bác sĩ có phương pháp phẫu thuật khác nhau, bao gồm:
- Nếu có ổ áp-xe nhưng chưa vỡ: Bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu, mổ dẫn lưu ổ áp-xe thông qua da và sẽ phẫu thuật sau khi điều trị nhiễm trùng.
- Nếu như ổ áp-xe đã vỡ: Bạn cần được phẫu thuật cắt ruột thừa càng sớm càng tốt.
- Đám quánh ruột thừa: Điều trị bằng kháng sinh phổ rộng và theo dõi sát diễn tiến của bệnh. Sau khi đám quánh tan thì tiến hành mổ cắt ruột thừa.
Để phẫu thuật cắt ruột thừa, bác sĩ có thể chỉ định mổ hở hoặc mổ nội soi tùy tình trạng của bạn. Theo đó, mổ nội soi ít xâm lấn hơn và thời gian bình phục nhanh hơn nhưng bạn cần phải mổ hở nếu có áp-xe hoặc viêm phúc mạc.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm ruột thừa cấp
Các biện pháp kiểm soát bệnh viêm ruột thừa cấp bao gồm:
- Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và tránh vận động nặng. Trường hợp mổ nội soi, bạn nên tránh hoạt động từ 3 – 5 ngày. Nếu bạn mổ hở, nên tránh hoạt động từ 10 – 14 ngày. Hoặc bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc tránh vận động nặng và khi nào có thể hoạt động bình thường.
- Bảo vệ bụng khi ho bằng cách đặt một cái gối trước bụng và đè mạnh vào khi ho, cười hoặc xoay trở để giảm đau.
- Báo cho bác sĩ về tình trạng cơn đau không giảm và vết thương lâu lành dù đã uống thuốc giảm đau.
- Khi trở lại hoạt động bình thường, bạn nên tập đi từ từ với từng bước nhỏ rồi tăng dần cường độ sao cho bạn thấy thoải mái.
- Trao đổi với bác sĩ nếu bạn muốn quay trở lại công việc hay việc học.
- Tái khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe và khả năng hồi phục của cơ thể.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.