Tìm hiểu chung
Viêm thực quản là gì?
Viêm thực quản là viêm lớp niêm mạc lót lòng thực quản, đoạn tiêu hóa nối từ họng đến dạ dày, xảy ra do trào ngược axit từ dạ dày, ngoài ra còn do các nguyên nhân khác bao gồm như xạ trị, dùng thuốc, viêm do nấm hoặc dị ứng. Nguy cơ bị ung thư tăng do viêm thực quản làm thay đổi tế bào niêm mạc thực quản. Chưa kể viêm thực quản mạn tính lâu ngày có thể dẫn đến biến chứng loét hoặc teo hẹp thực quản, làm cho bệnh nhân thường xuyên nuốt nghẹn hoặc thậm chí không thể nuốt được thức ăn khô.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm thực quản
Các dấu hiệu thường gặp của bệnh bao gồm:
-
Khó nuốt;
-
Nuốt đau;
-
Đau họng;
-
Khàn tiếng;
-
Nóng rát ngực;
-
Trào ngược axit dịch vị;
-
Đau ngực (nặng hơn khi ăn);
-
Buồn nôn;
-
Nôn ói;
-
Đau bụng;
-
Chán ăn;
-
Ho;
-
Biếng ăn ở trẻ nhỏ.
Biến chứng có thể gặp của viêm thực quản
Bệnh nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến viêm mạn tính, phá hoại niêm mạc thực quản, ung thư…
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu thấy xuất hiện các triệu chứng sau:
-
Tình trạng đau ngực kéo dài hơn vài phút, đặc biệt nếu bạn có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp hoặc đái tháo đường;
-
Bạn có cảm giác bị mắc nghẹn;
-
Bạn không thể uống nước dù chỉ một ít.
-
Bạn khó thở hoặc đau ngực, đặc biệt nếu không xảy ra khi ăn;
-
Triệu chứng tiếp tục sau vài ngày;
-
Triệu chứng nặng làm cản trở việc ăn uống;
-
Nhức đầu, đau cơ hoặc sốt.
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến viêm thực quản
Các nguyên nhân gây ra bệnh bao gồm:
Viêm thực quản trào ngược:
Một bộ phận có cấu trúc giống cái van được gọi là cơ thắt thực quản dưới. Cơ quan này giữ cho axit trong dạ dày không trào ngược lên thực quản được. Nếu van này mở, axit trong dạ dày sẽ trào ngược lên thực quản.
Viêm thực quản dị ứng:
Viêm thực quản dị ứng xảy ra khi nồng độ bạch cầu ở trong thực quản cao, thường là do phản ứng với tác nhân dị ứng hoặc với dòng axit trào ngược.
Nhiều người bị viêm thực quản dị ứng là tình trạng dị ứng với một hay nhiều loại thức ăn khác. Những thức ăn có thể gây viêm thực quản dị ứng mà bạn cần chú ý như sữa, trứng, lúa mì, đậu nành, đậu phộng, lúa mạch và thịt bò. Ngoài ra, phấn hoa cũng là nguyên nhân gây dị ứng đối với người bị viêm thực quản dị ứng.
Viêm thực quản do thuốc:
Vài loại thuốc có thể phá hủy mô nếu chúng ứ đọng trong lớp niêm mạc thực quản quá lâu, ví dụ như nếu bạn nhai 1 viên thuốc với quá ít nước thì một phần viên thuốc sẽ đọng lại trong thực quản. Các thuốc có thể dẫn đến viêm thực quản bao gồm:
-
Thuốc giảm đau như aspirin, ibuprofen và natri naproxen;
-
Kháng sinh như tetracycline và doxycycline;
-
Kali cloride dùng để điều trị thiếu kali;
-
Bisphosphonates gồm alendronate (Fosamax®), dùng để điều trị loãng xương;
-
Quinidine dùng điều trị bệnh tim mạch.
-
Viêm thực quản do nhiễm trùng: Vi khuẩn, virus và nấm có thể gây viêm thực quản. Viêm thực quản do nhiễm trùng thường hiếm và chỉ xảy ra ở người bị suy giảm miễn dịch như là nhiễm HIV/AIDS hay ung thư.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ viêm thực quản?
Viêm thực quản thường xuất hiện ở người lớn hơn là trẻ em. Loại viêm thực quản thường gặp nhất liên quan đến bệnh trào ngược thực quản. Các triệu chứng của bệnh trào ngược thực quản xuất hiện hằng tháng trong 33-44% dân số, 7-10% trong số đó có triệu chứng hàng ngày.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
-
Hệ miễn dịch suy yếu do HIV/AIDS, đái tháo đường, ung thư máu, lympho hay các bệnh miễn dịch khác.
-
Thoát vị hoành (dạ dày chui qua lỗ cơ hoành).
-
Hóa trị.
-
Xạ trị thành ngực.
-
Phẫu thuật vùng ngực.
-
Các thuốc chống thải ghép.
-
Aspirin và thuốc kháng viêm.
-
Ói mạn tính.
-
Béo phì.
-
Sử dụng rượu và thuốc lá.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm thực quản
Bác sĩ chẩn đoán dựa vào các triệu chứng, khám lâm sàng và các xét nghiệm bao gồm:
-
Nội soi thực quản: Bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi có đèn, mềm và linh hoạt để nhìn rõ thực quản của người bệnh.
-
Sinh thiết: Trong quá trình nội soi, bác sĩ lấy một mẫu nhỏ mô thực quản và gửi đến phòng xét nghiệm để xét nghiệm dưới kính hiển vi.
-
Chụp X-quang cản quang: Bác sĩ sẽ tiến hành chụp X-quang thực quản sau khi uống barium. Barium sẽ lót lên lớp niêm mạc thực quản và có màu trắng trên hình ảnh X-quang.
Phương pháp điều trị viêm thực quản hiệu quả
Dựa vào triệu chứng cụ thể mà bác sĩ sẽ có phương án điều trị chuyên biệt, bao gồm:
-
Thuốc kháng virus;
-
Thuốc kháng nấm;
-
Thuốc kháng dịch vị;
-
Thuốc giảm đau;
-
Steroid uống;
-
Thuốc ức chế bơm proton (để khóa việc sản xuất dịch vị của dạ dày).
-
Nếu nguyên nhân chính là do dị ứng thức ăn: Hạn chế các thức ăn gây dị ứng, tránh ăn cay, chua, cứng; tránh thuốc lá, bia rượu; nhai kỹ khi ăn
-
Nếu nguyên nhân là do thuốc: Bạn cần uống nhiều nước khi uống thuốc hoặc nên uống thuốc dạng lỏng, không nên nằm xuống trong vòng 30 phút sau khi uống thuốc viên.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm thực quản
Bạn nên tuân thủ một số biện pháp sau để giúp kiểm soát tình trạng bệnh:
-
Không ăn các loại thức ăn cay nóng như tiêu, ớt, cà ri.
-
Chú ý không sử dụng những loại thức ăn cứng như bánh quy, đậu, các loại rau chưa qua chế biến.
-
Uống nước đóng chai kèm với vitamin C thay vì uống thức ăn chua như cam, nho hay cà chua.
-
Nên ăn các loại thức ăn mềm như ngũ cốc đã nấu chín, khoai tây nghiền…
-
Chú ý khi ăn nên ăn từng miếng nhỏ và nhai thật kỹ.
-
Để dễ nuốt hơn thì nên uống nước bằng ống hút.
-
Nên từ bỏ thuốc lá và rượu bia nếu trước đó bạn đang có những thói quen này.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.