Tìm hiểu chung
Tắc ruột là gì?
Tắc ruột là hiện tượng ống tiêu hóa bị suy yếu và không thể vận chuyển thức ăn, khiến cho thức ăn, hơi hay nước không thể đi xuống dưới. Tắc ruột thường không biểu hiện những triệu chứng đặc trưng, khiến nhiều người chủ quan và tiếp tục ăn, làm thức ăn bị ứ trệ trong ruột ngày càng nhiều. Mặc dù tắc ruột có nhiều nguyên nhân, nhưng tắc ruột sau mổ là nguyên nhân thường gặp nhất. Tắc ruột nếu không điều trị nhanh chóng có thể dẫn đến thủng ruột và tăng nguy cơ tử vong.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của tắc ruột
Các triệu chứng thường gặp của tắc ruột là:
-
Bị đau bụng từng cơn, hoặc đau quặn bụng, lúc đầu nhẹ sau đó các cơn đau lan khắp bụng, thậm chí còn có những bệnh nhân sốc vì đau.
-
Khi bị tắc ruột thường bị buồn nôn và nôn, tắc càng cao nôn càng sớm, lúc đầu nôn ra thức ăn hoặc dịch tiêu hóa, về sau nôn ra dịch có màu đen.
-
Tắc ruột thường khiến cho người bệnh chán ăn, có cảm giác đầy hơi chướng bụng, táo bón hoặc không thể tập trung đại tiện.
-
Lúc sờ nắn vào có thể cảm nhận được khối lồng, khối u ở bên trong.
-
Triệu chứng toàn thân: Mới đầu trạng thái toàn thân vẫn bình thường, nhưng đến giai đoạn nặng thì người bệnh sẽ lâm vào tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc, để lâu có thể bị hoại tử gây viêm màng bụng.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hãy đến gặp bác sĩ khi bạn có bất kì triệu chứng nào kể trên vì đây là một tình trạng nguy hiểm. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến tắc ruột
Tắc ruột có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Phổ biến nhất là do biến chứng sau mổ. Noài ra còn có các nguyên nhân sau:
-
Phẫu thuật bụng.
-
Phẫu thuật khớp hoặc cột sống.
-
Chấn thương.
-
Nhiễm trùng toàn thân nặng (nhiễm trùng huyết).
-
Đau tim.
-
Rối loạn các chất điện giải.
-
Rối loạn chức năng cơ.
-
Sử dụng thuốc cao huyết áp.
-
Ung thư đại tràng.
-
Bệnh Crohn là nguyên nhân làm thành ruột dày lên.
-
Bệnh Parkinson ảnh hưởng tới các cơ và thần kinh trong ruột.
-
Lồng ruột, đây là nguyên nhân gây bệnh tắc ruột phổ biến nhất ở trẻ em.
-
Thiếu máu ruột (thiếu máu cục bộ mạc treo).
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ bị tắc ruột?
Tắc ruột có thể xảy ra với tất cả mọi đối tượng ở mọi lứa tuổi và phổ biến hơn ở những người lớn tuổi. Do lão hóa nên chức năng của hệ tiêu hóa cũng bị suy yếu.
Yếu tố làm tăng nguy cơ tắc ruột, bao gồm:
-
Phẫu thuật ổ bụng, nhiễm trùng hoặc chấn thương.
-
Tiền sử mắc bệnh tắc ruột.
-
Mất cân bằng điện giải, đặc biệt là kali và canxi.
-
Có chấn thương đường ruột hoặc chấn thương trong quá khứ.
-
Bệnh Crohn.
-
Viêm túi thừa.
-
Nhiễm khuẩn huyết.
-
Từng thực hiện chiếu xạ tại hoặc gần vùng bụng.
-
Bệnh động mạch ngoại biên.
-
Sụt cân nhanh.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tắc ruột
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh dựa trên những triệu chứng mà bạn gặp phải, khám lâm sàng, hỏi bạn về tiền sử bệnh lý bệnh sử và thực hiện xét nghiệm cần thiết. Các xét nghiệm bao gồm:
-
Nội soi: Để kiểm tra các niêm mạc đại tràng.
-
Siêu âm: Sử dụng để xác định tắc ruột ở trẻ em.
-
X-quang: Chụp X-quang bụng có thể cho thấy dấu hiệu của khí bị mắc kẹt và nơi tắc nhưng X-quang không phải lúc nào cũng là phương pháp khả thi nhất để chẩn đoán tắc ruột.
-
CT scan: Phương pháp này cung cấp hình ảnh chi tiết hơn để giúp các bác sĩ xác định đoạn ruột bị tắc.
Phương pháp điều trị tắc ruột hiệu quả
Vì nguyên nhân gây tắc ruột rất nhiều nên để điều trị bệnh tắc ruột hiệu quả, bác sĩ cần phải khám và chẩn đoán được nguyên nhân gây bệnh, mức độ bệnh nặng hay nhẹ thì mới có phương pháp điều trị đúng đắn.
Phẫu thuật ổ bụng là phương pháp chính nếu đường ruột bị tắc nghẽn hoàn toàn. Phẫu thuật giúp loại bỏ tắc nghẽn và đoạn ruột bị tổn thương.
Nếu dùng thuốc là nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ có thể sẽ xem xét tình trạng bệnh và yêu cầu người bệnh ngưng dùng thuốc hoặc dùng một loại thuốc thay thế.
Dùng hậu môn nhân tạo thay thế nếu tắc ruột nghiêm trọng khiến bạn không thể đi tiêu tự nhiên. Hậu môn nhân tạo thực chất là một chiếc túi giúp phân và chất thải thoát ra khỏi bụng. Tuy nhiên, khi sử dụng bạn cần phải vệ sinh hậu môn nhân tạo thường xuyên.
Truyền nước và chất điện giải để tránh bị mất nước và rối loạn điện giải gây nguy hiểm đến sức khỏe.
Dùng thuốc: Các loại thuốc có thể được sử dụng là như neostigmine, tegaserod; nhằm làm tăng nhu động ở ruột, giúp thức ăn và dịch trong ruột được tiêu hóa nhanh hơn.
Chú ý đến chế độ dinh dưỡng: Trong thực đơn hàng ngày của bệnh nhân, bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân ăn nhiều chất xơ để giúp quá trình tiêu hóa được dễ dàng hơn. Đồng thời, người bệnh cần chú ý thời gian nghỉ ngơi, có chế độ sinh hoạt và ăn uống khoa học, lành mạnh để tránh bệnh nặng hơn.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tắc ruột
Chế độ sinh hoạt:
-
Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
-
Bạn nên luyện tập thể dục đều đặn và giữ cân nặng ở mức hợp lý, không để tình trạng béo phì.
-
Cần điều trị tốt các bệnh để phòng tránh những nguyên nhân gây dính ruột, thoát vị, hậu phẫu nội soi, ung thư, viêm ruột, sỏi mật, lồng ruột, áp-xe, giun đũa…
-
Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
-
Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
Chế độ dinh dưỡng:
-
Bạn cần uống nhiều nước để tránh mất nước và giúp làm mềm phân.
-
Bữa ăn cần cung cấp cho cơ thể nhiều chất xơ để quá trình tiêu hóa được dễ dàng hơn.
-
Không nên ăn nhiều dầu mỡ, chất béo, các thực phẩm khó tiêu, tạo hơi.
-
Không nên ăn quá nhiều trong một lúc, thay vào đó bạn nên chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa trong ngày.
-
Khi ăn phải nhai kỹ, không ăn quá nhanh hoặc nuốt chửng.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.